Trong những năm qua, nhiều hộ dân ở Gia Bình, Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) mạnh dạn thuê đất bãi ngoài đê với giá 2,5 triệu đồng/năm để trồng cà rốt và các cây rau màu có giá trị kinh tế cao.
Năm nay do mưa nhiều, người dân trồng cà rốt cách quãng nên sản lượng không nhiều, nhờ đó, giá được đẩy lên mức cao, nông dân rất phấn khởi.
Trái với vụ đông năm 2020, khi hầu hết các loại cây trồng quá lứa phải nhổ bỏ hoặc bán với giá rẻ, năm nay 4ha trồng cà rốt của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thọ Ninh, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình đã được thương lái thu mua với giá bán tại ruộng từ 9-10 triệu đồng/sào ngay từ đầu vụ, thu lãi 200 triệu đồng - gấp đôi so với những năm trước.
Theo anh Cường, năm nay, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để thương lái đến thu mua nên nông sản của bà con trồng ra dễ dàng được tiêu thụ.
"Nếu như những năm trước, gia đình tôi phải thuê người thu hoạch cà rốt thì năm nay thương lái đưa người về tận ruộng để thu mua. Ngay từ sớm, họ đã đến đặt tiền, thậm chí ở nhiều gia đình, thương lái đã đến đặt cọc tiền khi cà rốt còn non", bà Nguyễn Thị Huy – người trồng 4ha cà rốt ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình chia sẻ và cho biết năm nay bà bán cà rốt với giá 13 triệu đồng/sào.
Do có nguồn tiêu thụ cà rốt ở tỉnh Hải Dương nên bà Tống Thị Thúy, xã Minh Tân, huyện Lương Tài phải đi khắp các cánh đồng cà rốt ở huyện Gia Bình để tìm mua.
"Năm nay chị em đi mua cà rốt khó khăn hơn mọi năm do thời tiết mưa gió nhiều nên người dân trồng cách quãng, không được thuận lợi lắm. Vì thế, giá thu mua cũng đắt hơn mọi năm" – bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, đầu vụ giá cà rốt chỉ từ 9-11 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 13-15 triệu đồng/sào. Cùng với 10ha cà rốt gia đình trồng, bà đã mua thêm được hơn 30 ha cà rốt để cung cấp cho các đầu mối lớn ở tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Công Quyện, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Gia Bình cho biết, vụ đông năm nay toàn huyện trồng gần 1.000 ha cây vụ đông, trong đó có 560 ha cà rốt. Ngoài cà rốt trồng ở bãi, một số xã như: Cao Đức, Đại Lai… cũng đã mở rộng trên đất hai lúa.
"Giá cà rốt năm nay rất cao, lên đến 18-19 triệu đồng/sào, tương đương với 500 triệu đồng/ha. Năng suất cũng lập kỷ lục, vừa năng suất cao, mẫu hình đẹp, thương lái về mua ngay từ giai đoạn cây non, bà con rất phấn khởi" – ông Quyện nói.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân, các hợp tác xã (HTX) trồng cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, tập trung với diện tích trên 2ha trở lên. Đó là các cây màu như: hành tỏi, bí xanh, bí đỏ và cây cà rốt.
"Vùng ngoài bãi sông, đến nay 100% đã được trồng theo vùng tập trung quy mô lớn. Đối với cây màu trên đất hai lúa, ngay từ khi sản xuất vụ mùa, huyện đã yêu cầu chỉ đạo các HTX khuyến khích quy hoạch vùng sản xuất trồng cây màu vụ đông sớm, vừa tiện cho chăm sóc, vừa tiện cho quản lý, điều hành và nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng vụ đông" – ông Quyện thông tin.
Theo ông Quyện, mô hình người nông dân thuê đất, mượn đất trồng cây vụ đông đang đem lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, cái khó của huyện Gia Bình hiện nay là việc mở rộng cây trồng vụ đông sớm, đặc biệt là hành tỏi, bí xanh, bí đỏ thì phải có đất.
Trong khi đó, đất trồng màu lại phụ thuộc vào những hộ gieo trồng lúa mùa sớm. Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích 1 mẫu trở lên, huyện Gia Bình đã hỗ trợ tiền công cắt gốc rạ, tiền mua cây giống…
Trong vụ đông năm nay, tỉnh Bắc Ninh gieo trồng được khoảng 7.000 ha, tăng hơn 350 ha so với vụ đông năm 2020. Các giống cây màu chủ lực là khoai tây 2.200 ha, cà rốt 1.350 ha, bí các loại 400 ha, rau xanh các loại 2.250 ngô 350 ha, còn lại các loại rau màu khác.