Đây là số liệu được Viện Light đưa ra tại Hội thảo Tổng kết dự án "Tương Lai" - Góp phần cải thiện khả năng tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức vừa được tổ chức sáng nay 27/12.
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện trưởng Viện sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) cho rằng: Chiến lược An sinh xã hội 2012-2020 của Việt Nam cũng xác định người di cư là một trong các nhóm thiệt thòi cần an sinh xã hội, tuy nhiên trong thực tế, thiếu các chính sách và chương trình thể chế cung cấp an sinh xã hội cho người di cư.
99% lao động di cư trong khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội và có tới 76,5% lao động di cư trong khu vực phi chính thức không có bảo hiểm y tế (điều tra của Oxfam năm 2015).
Theo Chiến lược An sinh xã hội 2011-2020 được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nêu thì an sinh xã hội bao gồm không chỉ là những chuyển dịch xã hội mà còn là đưa ra các chính sách về thị trường lao động khung toàn diện và thống nhất, các chính sách bảo hiểm xã hội, các chính sách chăm sóc y tế, các chương trình phúc lợi, trợ giúp xã hội, giảm nghèo và tiếp cận dịch vụ xã hội công.
Để thực hiện mục tiêu trên, Viện Light triển khai phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã triển khai dự án “Tương lai" tại 4 phường trên địa bàn Hà Nội (Phường Phúc Tân, Chương Dương thuộc quận Hoàn Kiếm, phường Thịnh Liệt – quận Hoàng Mai và phường Bạch Đằng – quận Hai Bà Trưng). Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi tổ chức Oxfam.
Kết quả sau 5 năm, dự án đã triển khai được 20 nhóm tự lực với gần 400 thành viên là người lao động di cư phi chính thức được hình thành và hoạt động nhằm tăng cường sự tiếp cận của lao động di cư, đặc biệt là nữ lao động di cư, với các chính sách an sinh xã hội.
Các nhóm này hoạt động thường xuyên, có các thành viên nòng cốt tự vận hành và hỗ trợ, có quy chế hoạt động cụ thể. Các thành viên khi tham gia nhóm được nâng cao năng lực, học hỏi về kiến thức và kỹ năng, tham gia các cuộc thảo luận theo các chủ đề đa dạng, bao gồm sức khỏe, pháp luật, việc làm, an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới,…
Chị Nguyễn Thị Trang - Hội phụ nữ phường Phúc Tân (Long Biên) cho biết nhóm tự lực hỗ trợ tích cực cho lao động di cư, giúp họ tăng năng lực, tự tin tham gia nhiều hoạt động tại địa phương bao gồm cả các hoạt động đối thoại về chính sách với lãnh đạo và các bên liên quan, cũng như tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Có 84,8% lao động di cư là thành viên các nhóm tự lực đã tiếp cận với bảo hiểm Y tế, và 87,7% tiếp cận được với sự hỗ trợ trong thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên vẫn còn rất ít người tiếp cận với bảo hiểm xã hội tự nguyện, và tỷ lệ người tiếp cận được tới các gói Hỗ trợ An sinh xã hội của chính phủ vẫn còn rất thấp (Trong số 179 thành viên nhóm tự lực nhận được hỗ trợ thì chỉ có 11 người trả lời có nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ, số còn lại được hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, các cá nhân…).
Nhiều ý kiến của lao động di cư phi chính thức đã được ghi nhận và điều chỉnh, mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn, thuận lợi hơn cho lao động di cư tại các địa bàn Dự án (Vấn đề về thủ tục đăng ký tạm trú, về giá nhà trọ, về giá điện, về khu vệ sinh công cộng, an ninh trật tự chung…
Đặc biệt, trong năm 2020, chi hội phụ nữ di cư đầu tiên và chính thức được thí điểm thành lập theo quyết định của Hội Liên hiệp phụ nữ cấp TW và Thành phố HN, tạo tiền đề quan trọng để nhóm phụ nữ lao động di cư có thể có tổ chức đại diện và có tiếng nói trong cộng đồng cũng như tại địa phương nơi đến.
Bà Hà Thị Kim Ngân – phó trưởng Ban Lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết hơn 80% lao động di cư bị tác động bởi dịch Covid-19. Kể cả lao động di cư phi chính thức (công nhân, lao động ngoại tỉnh) cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận chính sách an sinh chứ không riêng gì lao động di cư tự do.
Ông Trần Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ BHXH thì cho rằng dự án đã tạo ra sự thay đổi nhận thức lớn trong suy nghĩ của lao động di cư. Giúp họ tiếp cận được với chính sách an sinh - xã hội. Nhiều lao động di cư tham gia dự án đã mua BHYT, BHXH tự nguyện.
"Trong tương lai chúng tôi sẽ hoàn thiện thêm các chính sách giúp lao động di cư tiếp cận, tham gia nhiều hơn với BHXH tự nguyện", ông Nam noi.
Để phát huy hiệu quả của dự án, chương trình đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy thực hiện quyền lợi an sinh cho các nhóm lao động này.
Bà Nguyễn Thu Giang kiến nghị: Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần bao gồm đầy đủ các nhóm lao động di cư chính thức và di cư phi chính thức, đặc biệt là nữ lao động di cư. Bên cạnh đó cần có quy định phù hợp, thủ tục linh hoạt đơn giản để lao động tiếp cận.
“Ngoài ra cần thành lập các chi hội phụ nữ di để tăng cường sự tham gia, kết nối của nữ lao động di cư tại cộng đồng và giúp cho nữ lao động di cư có cơ hội hưởng các chính sách an sinh xã hội tại nơi đến. Hỗ trợ lao động di cư tiếp cận thông tin, chính sách pháp luật, vấn đề nhà ở, trường học cho con…”, bà Giang nói.