Gỡ rối cho nữ lao động di cư

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 27/11/2019 05:37 AM (GMT+7)
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hà Nội lần đầu tiên phối hợp với các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đối thoại với nữ lao động di cư tự do về các vấn đề liên quan tới an sinh xã hội.
Bình luận 0

Bức xúc vấn đề ăn, ở

Tại buổi đối thoại “Các giải pháp nâng cao điều kiện sống đối với nữ lao động di cư trên địa bàn” quận Hoàn Kiếm (ngày 21/11) đã có hàng chục lao động di cư (LĐDC) đặt các câu hỏi liên quan về vấn đề an ninh, an toàn, chế độ BHXH, các vấn đề về tiếp cận điện nước giá rẻ, nhà trọ giá rẻ…

img

Lao động di cư còn nhiều lo lắng cần được giải đáp, giúp đỡ. Ảnh:  N.T

Chị Nguyễn Thị Hậu (46 tuổi, quê Hải Hậu Nam Định) hiện là lao động tự do tại phường Phúc Tân hỏi: “Tại khu tôi ở thường xuyên bị mất xe máy? Mong cơ quan chức năng tư vấn hỗ trợ cách phòng tránh trộm?”.

Đại diện cơ quan công an quận Hoàn Kiếm cho biết, lực lượng công an trên địa bàn phường và quận thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, nhưng do địa bàn phức tạp, dân cư đông đúc nên việc vận động, phòng ngừa cũng gặp nhiều khó khăn. Khi bị mất cắp, người dân có thể đến cơ quan công an gần nhất, hoặc công an phường để trình báo, xử lý.

Chị Đỗ Thị Hiền 47  tuổi (trọ tại số 317, Bạch Đằng, Chương Dương Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi, hiện tại khu trọ có những ngõ nhỏ, không có điện thắp sáng nên đi lại khu bờ sông Hồng rất sợ. Chính quyền địa phương có cách nào lắp thêm điện chiếu sáng cho người dân?

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch phường Chương Dương chia sẻ: “Hiện tại, tất cả các con ngõ chạy ra dọc đường bờ sông Hồng đều được lắp đèn đường chiếu sáng. Chính quyền có ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ đèn đường Hà Nội. Mặc dù vậy, do yếu tố thời tiết, các thiết bị có thể bị hư hỏng. Chính quyền sẽ tiếp thu và gửi kiến nghị tới đơn vị cung cấp để lắp thêm bóng đèn”.

Đặc biệt, có tới 2/3 số câu hỏi quan tâm về vấn đề sử dụng điện, nước giá rẻ. Bà Nguyễn Thị Lở, sống tại Phúc Tân hỏi: “Làm thế nào để có thể tiếp cận tiền điện, tiền nước giá rẻ? Hiện mỗi lao động ở trọ phải trả 40.000-50.000 tiền nước/tháng nhưng là nước giếng khoan, điện tính tới 4.000 đồng/số”.

Đại diện phía công ty nước sạch và điện lực quận Hoàn Kiếm cho biết, LĐDC, ở trọ trên địa bàn hoàn toàn có thể được ký hợp đồng trực tiếp để mua điện, nước giá gốc. Tuy nhiên, thủ tục cần có hợp đồng thuê nhà, sổ tạm trú dài hạn, giấy đồng ý bằng văn bản có chữ ký cho lắp công tơ, điện nước của chủ trọ và cả sổ đỏ cam kết bảo lãnh của chủ trọ.

Thực hiện quyền LĐDC gắn liền với nghĩa vụ. Chính quyền sẽ cố gắng đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của LĐDC sinh sống và làm việc trên địa bàn, nhưng LĐDC cũng cần phải chấp hành pháp luật, không xả rác bừa bãi, không sử dụng than tổ ong, phóng uế… để bảo vệ, xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp”.

Ông Đinh Hồng Phong

Địa phương tiếp thu ý kiến

Đây là khẳng định của ông Đỗ Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) khi lắng nghe ý kiến và các câu hỏi của LĐDC.

Theo ông Bình, phường tiếp cận rất đông LĐDC, khoảng 3.000 người, lúc cao điểm có thể lên tới 4.000 người. Dân di cư ở đây đến từ khắp nơi, nhiều nhất là Hưng Yên. Hiện tại, phường có 225 nhà cho thuê trọ. Do địa bàn nhỏ, dân cư đông nên việc quản lý an ninh, trật tự cũng như phòng chống dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn.

“Mặc dù vậy, chính quyền địa phương rất nỗ lực, kết hợp với các tổ chức như Plan, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) thực hiện tư vấn hỗ trợ về chính sách an sinh, xã hội cho LĐDC. Cụ thể, LĐDC được hỗ trợ tham gia hoạt động của khu dân cư, được khám sức khỏe, tạo điều kiện để con em LĐDC được đến trường học tập… Nhiều LĐDC muốn mua BHYT đều được phường cơ quan công an xác nhận tạm trú để mua BHYT, chăm sóc sức khỏe” – ông Bình nói. 

Ông Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ, một bộ phận LĐDC còn có thói quen xấu, xả rác bừa bãi, đốt than tổ ong, thậm chí là phóng uế bừa bãi, ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Chủ trì buổi đối thoại, ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận rất mong muốn hỗ trợ LĐDC để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Phong hoan nghênh sự có mặt của đông đảo LĐDC trong buổi đối thoại và đánh giá cao những vấn đề mà LĐDC quan tâm, đặt câu hỏi. “Đây là cơ hội để cơ quan quản lý, cung cấp dịch vụ có thể nắm bắt được tình hình đời sống của LĐDC, quá đó có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Tất cả kiến nghị đều sẽ được các phường, quận lắng nghe, xử lý” – ông Phong khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem