Thậm chí trên thế giới cũng như cả ở Nga và Mỹ và châu Âu còn có đánh giá cho rằng chưa khi nào kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, mối quan hệ này tồi tệ như trong năm 2021, thể hiện cụ thể ở xung khắc và bất hoà, căng thẳng và đối kháng, đối phó nhau là chủ đạo và lấn át hợp tác.
Chiều hướng diễn biến ấy của mối quan hệ này đã xuất hiện từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014 và hậu thuẫn về chính trị cũng như quân sự dưới nhiều hình thức khác nhau phe ly khai chính quyền Ukraine ở vùng lãnh thổ phía đông Ukraine. Mức độ gay gắt và quyết liệt gia tăng thêm đáng kể trong năm 2021 khi phe kia còn tập trung làm khó Nga trong các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền cũng như khi Nga triển khai lực lượng quân sự lớn ở vùng biên giới với Ukraine khiến phe kia ngay lập tức cáo buộc Nga mưu tính tấn công quân sự vào Ukraine, lặp lại diễn biến như hồi năm 2014.
Trong bối cảnh tình hình chung như thế, tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ nêu đòi hỏi của Nga về Mỹ và NATO phải cam kết bằng văn bản đảm bảo an ninh cho Nga. Phía Nga cụ thể hoá đòi hỏi này thành những điều kiện làm nội dung cho dự thảo hai đề nghị hiệp ước giữa Nga với Mỹ và giữa Nga với NATO. Tinh thần của cả hai dự thảo này đều không mới mẻ gì vì đều hàm ý là Nga cảm thấy bị NATO đe doạ về an ninh khi NATO mở rộng về phía đông, triển khai quân đội và vũ khí ở các nước thành viên NATO trong vùng lãnh thổ giáp biên giới với Nga cũng như tiếp tục thực hiện chủ định thu nạp các nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô trước đây vào NATO hoặc ít nhất cũng dùng hợp tác và liên kết để kéo các nước này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Cái mới là thời điểm Nga tung ra đề nghị này và Nga soạn thảo những yêu cầu của Nga thành điều kiện tiên quyết mang cả dáng dấp của tối hậu thư. Trong đó, Nga yêu cầu Mỹ không để cho NATO kết nạp thêm thành viên mới là các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, đặc biệt là Ukraine và Grudia.
Nga đòi hỏi NATO không triển khai quân đội ở bên ngoài phạm vi ranh giới năm 1997, tức là trước khi NATO mở rộng liên minh về phía đông, không tiến hành mọi hoạt động quân sự ở Ukraine.... Nếu đáp ứng những điều kiện này của Nga, Mỹ và Nato phải điều chỉnh chính sách và chiến lược rất cơ bản cũng như phải đảo ngược rất nhiều việc đã làm và kết quả mà họ coi là thành tựu rất quan trọng. Vì thế, sẽ không có chuyện Mỹ và NATO rồi đây nhượng bộ Nga và chấp nhận dự thảo hiệp ước an ninh của Nga cho dù Mỹ đã thoả thuận tiến hành đàm phán an ninh với Nga và NATO lại đề nghị Nga tiến hành phiên họp chung của Hội đồng Nga - NATO.
Ông Putin không phải không trù liệu được từ trước phản ứng cự tuyệt của Mỹ và NATO. Ông Putin tung hai dự thảo này ra cũng không để Mỹ và NATO chấp nhận mà để kích hoạt một cuộc chơi mới về ảnh hưởng và vai trò chính trị thế giới với Mỹ và an ninh châu lục với NATO.
Crimea năm 2014 và Syria năm 2015 là hai nước cờ chiến lược giúp ông Putin khôi phục được gần như hoàn toàn vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới mà nước Nga từng đã có.
Bây giờ, chuyện Syria gần như đã đâu vào đấy và Crimea đã gắn kết chặt chẽ vào Nga trên mọi phương diện. Nhưng Mỹ, Nato và các đồng minh, đối tác của họ dường như đã hạ quyết tâm đối phó Nga và đặc biệt sử dụng phương cách gây khó khăn cho Nga về kinh tế, thương mại và tài chính, coi đấy là điểm dễ bị tổn thương nhất đối với Nga, đồng thời mở rộng đối phó Nga sang lĩnh vực chính trị ngoại giao, dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.
Mục đích của họ là không để Nga tiếp đà mà tiếp tục trỗi dậy về chính trị an ninh thế giới và dẫn dắt diễn biến tình hình chính trị an ninh cũng như chi phối chiều hướng biến động của cục diện quan hệ quốc tế ở cả tầm thế giới cũng như ở châu Âu.
Với yêu cầu về Mỹ và NATO phải cam kết đảm bảo an ninh cho Nga - theo điều kiện, tiêu chí và cách hiểu của Nga - , ông Putin tạo ra bản chất mới cho mối bất hoà giữa Nga và Phương Tây, chủ động buộc Phương Tây phải xử lý quan hệ với Nga theo hướng chấp nhận cách tiếp cận của Nga về bản chất của mối bất hoà (là Nga bị Phương Tây đe doạ về an ninh) chứ không phải như cách tiếp cận của Phương Tây (là Nga chiếm Crimea, đe doạ Ukraine và không tôn trọng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền theo hệ quy chiếu của Phương Tây).
Những con chủ bài chiến lược của ông Putin trong cuộc chơi mới này là Ucraine (với Nato), Belarus (với EU), các nước láng giềng của Nga (với EU và NATO), Afghanistan (với Mỹ và NATO), Iran (với Mỹ và EU). Cuộc chơi này diễn ra chủ yếu ở châu Âu và vùng láng giềng xung quanh Nga. Kết cục của nó là cấu trúc và định hướng lại hoàn toàn mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và NATO.
Việc Mỹ chấp nhận đàm phán an ninh với Nga và NATO tìm cách nối lại tiếp xúc với Nga cho thấy phe này muốn dùng tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Nga để ngăn ngừa nguy cơ bị Nga lôi kéo vào cuộc chơi này.