Dân Việt

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay: Giá lại giảm, vì sao phải cắt tỉa cành cà phê sau thu hoạch?

Duy Hậu 29/12/2021 05:28 GMT+7
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay, 29/12 ghi nhận giảm nhẹ 100 đồng/kg. Các tỉnh Tây Nguyên theo đó giá cà phê nhân cũng giảm theo. Nông dân Tây Nguyên đang bước vào cuối vụ cà phê. Vì sao phải cắt tỉa cành cà phê sau thu hoạch? Cách cắt tỉa cành cà phê đúng kỹ thuật như thế nào?

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay, 29/12 giảm 100 đồng/kg, giá cà phê đặc sản là bao nhiêu?

Sau 4 ngày liên tiếp không biến động, giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay ghi nhận giảm nhẹ 100 đồng/kg. Tại các tỉnh Tây Nguyên ngoài Đắk Lắk giá cà phê nhân cũng quay đầu giảm nhẹ với mức 100 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay: Cà phê Tây Nguyên giảm nhẹ, nông dân chia sẻ bí quyết thu 5 tấn/ha - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên. Đồ họa: Duy Hậu.

Tại Đắk Lắk, cà phê nhân vẫn được mua với giá cao nhất. Giá cà phê nhân trung bình của Đắk Lắk hiện ở mức 41.600 đồng/kg. Tuy nhiên, ở một số địa phương của tỉnh này như Ea H'Leo, TX.Buôn Hồ cà phê được thu mua thấp hơn 100 đồng/kg, ở mức 41.500 đồng.

Giá cà phê hôm nay: Cà phê Tây Nguyên giảm nhẹ, nông dân chia sẻ bí quyết thu 5 tấn/ha - Ảnh 2.

Cà phê Tây Nguyên đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ. (Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Năng, Đắk Lắk) thu hoạch diện tích cà phê cuối cùng). Ảnh: Duy Hậu.

Tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, sau khi giảm100 đồng, giá cà phê nhân trung bình còn 41.500 đồng. Tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), cà phê nhân được mua thấp hơn mức giá trung bình toàn tỉnh 100 đồng/kg.

Tại tỉnh Kon Tum, cà phê nhân hiện được mua với mức 41.400 đồng/kg. Riêng Lâm Đồng, cà phê nhân được thu mua thấp nhất, trung bình đạt 40.800 đồng/kg.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nếu xét về quan hệ cung cầu, giá cà phê năm nay và năm sau có thể tiếp tục nhích lên. 

Do năm nay, theo thống kê, cà phê thế giới mất mùa. Riêng cà phê trồng tại Việt Nam, sản lượng cà phê nhân tăng khoảng 1,5 triệu bao ( mỗi bao 60 ký).

Giá cà phê hôm nay: Cà phê Tây Nguyên giảm nhẹ, nông dân chia sẻ bí quyết thu 5 tấn/ha - Ảnh 3.

Sau khi thu hoạch cà phê, nông dân cần cắt tỉa cành để chuẩn bị cho vụ cà phê sắp tới. (Trong ảnh: Nông dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk thu cà phê). Ảnh: Duy Hậu.

Ông Minh cũng thông tin thêm, giá cà phê đặc sản hiện nay được thu mua từ 100.000-25.000 ngàn đồng/kg. Nếu hạt cà phê đặc sản đạt từ 80-81/100 điểm thì được mua ở mức 100.000-120.000 đồng/kg. Đối với hạt cà phê đạt từ 84-85/100 điểm thì sẽ có giá từ 200.000-250.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện việc sản xuất cà phê đặc sản không hề dễ. Một hạt cà phê đặc sản phải trải qua nhiều quy trình đánh giá chất lượng rất nghiêm ngặt. Do đó, nông dân sản xuất cà phê đặc sản không nhiều. Hiện mỗi năm sản lượng cà phê đặc sản của tỉnh Đắk Lắk chỉ khoảng 100 tấn.

Cắt tỉa cành cà phê thế nào cho đúng kỹ thuật để tăng năng suất cà phê vào vụ sau?

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cuối vụ thu hoạch cà phê. Sau vụ thu hoạch cà phê 2021 cũng là giai đoạn nông dân trồng cà phê bắt đầu "sửa soạn" để chuẩn bị cho niên vụ mới.

Trong đó, việc cắt tỉa cành cà phê là kỹ thuật tạo hình quan trọng và cần thiết trong quá trình chăm sóc cây cà phê, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh cho năng suất cao trong vụ tới.

Giá cà phê hôm nay: Cà phê Tây Nguyên giảm nhẹ, nông dân chia sẻ bí quyết thu 5 tấn/ha - Ảnh 4.

Tùy theo chất lượng, cà phê đặc sản tốt nhất được mua đến 250 ngàn đồng/kg. (Trong ảnh: Nông dân Krông Năng lựa chọn hạt cà phê chín đẹp để làm cà phê đặc sản). Ảnh: Duy Hậu.

Một cán bộ tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cắt tỉa cành cà phê hợp lý sẽ giúp cây cà phê phục hồi nhanh và cho năng suất cao sau mỗi vụ thu hoạch, hạn chế được sâu bệnh.

Cán bộ này chia sẻ, quá trình cắt tỉa cành cà phê cần được tiến hành mỗi năm 2 lần. Lần thứ nhất là sau thời điểm thu hoạch trái. Việc này giúp cây cà phê loại bỏ hết những cành vô hiệu để cây phục hồi nhanh và kích thích mầm phát triển thành cành thứ cấp.

Nếu nông dân để quá muộn mới cắt cành cà phê thì cây khó loại bỏ được lá dẫn đến tình trạng cây dễ bị khô cành. 

Tuy nhiên, trong trường hợp sau thu hoạch mà cây cà phê có nhiều cành khô và bị mất sức thì bà con không nên cắt cành mà cần để cho cây phục hồi trước. Khi mùa mưa đến, lá cà phê trên cây xanh trở lại thì mới cắt tỉa.

Quá trình cắt tỉa cành cà phê, nông dân chọn những cành khô, ít lá, già cỗi hay sâu bệnh loại bỏ trước. Sau đó cắt đến những cành thứ cấp mọc hướng vào trong tán lá; cắt cả những cành mọc thẳng. Với những cành già vẫn còn khả năng cho trái, nông dân cũng nên cắt ngắn lại.

Việc này giúp tạo hình cho cây cà phê, dễ dàng cho thu hoạch, cũng như tạo điều kiện để ánh sáng chiếu vào bên trong, giúp vườn cà phê thông thoáng hơn, giảm được sâu bệnh.

Ở đợt cắt tỉa lần 2 (điểm tháng 6 – 7) khi cây cà phê đã được phục hồi đầy đủ và đang trong thời kỳ nuôi trái, nông dân cần tiến hành việc cắt cành rồi tỉa thưa cho cây thoáng.

Thời điểm này, nông dân cần loại bỏ hết những cành vô hiệu còn sót ở đợt cắt cành lần thứ nhất. Những cành sâu bệnh cần loại bỏ hết chừa lại những cành khỏe để nuôi dưỡng trái cà phê mùa sau. Nên cắt tỉa vừa phải, không tỉa quá nhiều sẽ khiến cho cây cà phê mất sức, giảm năng suất trong vụ sau.

Khi tỉa thưa cho cây cà phê, nông dân nên loại bỏ hết những cành mọc ngược và những cành thẳng đứng, cành mọc chen chúc nhau trên cùng một đốt và những cành mọc trong cùng của tán lá.

Những lưu ý khi cắt, tỉa cành cà phê ở các vườn cà phê đang kiến thiết

Riêng đối với vườn cà phê trong thời kì kiến thiết cơ bản thì nông dân không nên quá chú trọng đến công đoạn làm cành mà chú trọng đến việc tạo hình cho cây nhiều hơn.

Đối với những vườn cà phê trẻ, nông dân nên loại bỏ hết những cành thứ cấp trên cây cà phê, lặt những cành tăm để cây phát triển nhanh chóng, ổn định những cành thứ cấp ban đầu.

Trong quá trình cắt bỏ bớt cành, nông dân cần chú ý đến những cành cây đang có dấu hiệu bị dị dạng như cong queo hoặc là xuất hiện những màu sắc khác thường thì cần phải loại bỏ nó ngay.

Ngoài ra, khi cắt cành, nông dân không nên cắt quá sát gốc lá mà cách ra khoảng 2– 3 cm. Kéo để cắt cành phải sạch không có vướng những mầm bệnh.