Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng thêm bao nhiêu, vì sao chuyên gia cảnh báo đất trồng cà phê?
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng, cảnh báo đất trồng cà phê ở Tây Nguyên đang suy thoái nhanh
Duy Hậu
Thứ bảy, ngày 25/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay nói riêng và tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung nghi nhận tăng nhẹ với mức tăng thêm 100 đồng/kg. Theo đánh giá, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, đất trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang bị suy thoái nhanh.
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng nhưng chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng thấp
So với phiên giao dịch hôm trước, giá cà phê nhân hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ với mức 100 đồng/kg. Cà phê nhân Đắk Lắk có mức giá bình quân 41.600 đồng/kg, cà phê tại huyện Cư M'gar được mua cao nhất với giá cao nhất đạt 41.800 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, giá cà phê nhân được mua cao nhất là 41.700 đồng/kg (tại huyện Đắk R'Lấp), giá cà phê nhân trung bình cho toàn tỉnh là 41.500 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, giá cà phê nhân hôm nay trung bình là 40.800 đồng/kg. Tại một số huyện của tỉnh này, cà phê nhân được mua ở mức 41.000 đồng/kg.
Tại Gia Lai, giá cà phê nhân trung bình ngang bằng với giá cà phê nhân Đắk Nông. Riêng Kon Tum, cà phê nhân được thu mua với giá trung bình 41.600 đ/kg.
Theo ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 98.400ha trồng cà phê. Sản lượng cà phê bình quân hàng năm đạt khoảng 257.000 tấn. Phần lớn diện tích trồng cà phê được trồng tập trung tại cao nguyên Pleiku đất đỏ bazan ở trên độ cao từ 600m đến 800m so với mặt nước biển.
“Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư chưa đủ lớn nên chưa phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh của ngành cà phê. Đến nay chỉ đạt 3,5% sản lượng cà phê được chế biến sâu, còn lại chủ yếu là sơ chế và xuất bán nhân xô...Vì vậy giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê đạt thấp, chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh để đủ sức cạnh tranh trên thị trường”- ông Thành nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh có 107.000ha trồng cà phê thuộc vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là một trong 39 chỉ dẫn địa lý được công nhận trong các hiệp định thương mại tự do song phương hiện nay giữa Việt Nam và các nước EU, được 12 quốc gia và vùng lãnh thổ bảo hộ.
Tuy vậy, chỉ dẫn địa địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chưa mang lại giá trị gia tăng đáng kể vì chưa có nhiều sản phẩm thương mại trên thị trường thế giới. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác khiến giá cà phê tăng nhưng người sản xuất cà phê vẫn đang gặp khó khăn.
Đất trồng cà phê đang suy thoái nhanh
Theo đánh giá, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, đất trồng cà phê tại Tây Nguyên đang bị suy thoái chất lượng, tốc độ thoái hóa diễn ra rất nhanh.
Tiến sĩ Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cao cấp của IDH (tổ chức sáng kiến thương mại bền vững) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến đất đai, trong đó có đất trồng cà phê suy thoái. Đó là quá trình cải tạo đất để canh tác không đúng làm tổn thương cơ cấu đất.
Việc sử dụng hóa chất quá mức đã làm mất cân bằng về vi sinh vật trong đất. Nguyên nhân cuối cùng là do con người sử dụng nước không phù hợp.
Điều này đã gây nên rối loạn về cân bằng ẩm trong đất. Đây là 3 nguyên nhân chính. Ngoài ra còn hàng loạt các nguyên nhân khác dẫn đến sự suy thoái của đất, trong đó có nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu.
Theo tiến sĩ Trí, đất không "khỏe" thì sức khỏe cây trồng giảm. Muốn tăng năng suất, nông dân lại phải tăng hóa chất. Việc này càng khiến đất bị "ốm". Nông dân chẳng những ngày càng phải tăng đầu tư mà đất đai ngày càng trở nên suy thoái nghiêm trọng hơn.
Tiến sĩ Trí cho biết thêm, hiện nay có nhiều dự án nghiên cứu để cải tạo phục hồi đất. Trong đó, tổ chức IDH đang thực hiện chương trình cảnh quan thực hành lớn là quản lý độ phì đất bằng thảm phủ tại Di Linh (Lâm Đồng), Krông Năng và Cư M'gar (Đắk Lắk).
IDH tiếp cận nông nghiệp tái sinh, giảm đầu vào nhưng sản lượng không giảm. Sau khi đất "khỏe" thì lúc đó cây cà phê khỏe, sản lượng cà phê của nông dân cũng sẽ tự nhiên tăng lên.
"Tiếp cận lớn nhất là tiếp cận cảnh quan. Lấy rừng sinh thái làm chủ đạo với lý thuyết 3 tầng tán. Vì trên thực tế, hệ sinh thái nông nghiệp có đặc điểm của cấu trúc này. Theo đó, ở tầng trên là cây ăn trái, cây che bóng, tầng giữa là cây cà phê, cây tiêu và tầng thấp nhất là thảm thực vật (cỏ)"- tiến sĩ Trí nói.
Cũng theo tiến sĩ Trí, để đất ngày càng "khỏe" thì thay vì dùng hóa chất, nông dân cần tiếp cận hệ sinh thái tuần hoàn. Tức là trả về lại cho đất những thứ như vỏ cây, lá cây...
Tuy nhiên, để quá trình này mang lại hiệu quả hơn thì đưa thêm men vi sinh hữu ích vào, phân bón giảm NPK tăng thêm trung vi lượng, tạo ra cân bằng cho đất. Hặc đưa vào đất hữu cơ, kích thích rễ tăng lên đồng thời ức chế vi sinh vật có hại...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.