"Sốt đất" – tiềm ẩn rủi ro cho cả nền kinh tế
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, đầu tư vào đất đai mà mang tính đầu cơ, kiếm lời là một trong những nguy cơ, ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế trong tương lai.
Phân tích về nhận định trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, do lượng vốn trên thị trường có hạn thôi, nhưng nếu đầu cơ vào đất đai thì nó sẽ buộc chúng ta để lượng vốn "chết" trên mảnh đất đó. "Rõ ràng dòng vốn vào kinh tế nó sẽ giảm đi. Nó tạo ra sự thiếu hụt dòng vốn cho thị trường sản xuất – kinh doanh, đặc biệt gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư vào đất đai nhiều sẽ khiến giá đất bị đẩy lên cao. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn ảnh hưởng lớn tới giá bất động sản sau này.
"Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung không đáp ứng được, người ta tranh nhau mua, tranh nhau bán… làm giá bất động sản tăng. Điều này sẽ kéo theo việc nhiều người dân không mua được nhà. Trong điều kiện như hiện nay sẽ tạo ra giá ảo, về lâu về dài tạo ra "bong bóng" bất động sản", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lo ngại.
Giá bất động sản tăng còn ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ. Bởi theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường bất động sản và tiền tệ lưu thông với nhau rất lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư lại dùng các đòn bẩy vào đầu tư bất động. Nó gây nguy hiểm cho hệ hống tiền tệ tài chính quốc gia.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, nhiều nước trên thế giới đã bơm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Điều này đã tạo ra sự mất giá của đồng tiền và lạm phát tăng cao. Vì thế, nó dẫn tới trạng thái rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào đất đai và giá bất động sản cả trên thế giới đều tăng.
Để hạn chế rủi ro cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, trong điều kiện nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 như hiện nay, cần thận trọng và xem xét bố trí nguồn vốn hợp lý. Trong các gói hỗ trợ sắp tới, cần hạn chế việc đổ tiền vào bất động sản, mà cần tập trung bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh sản xuất.
Còn theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển (Học viện Tài chính), giá bất động sản tăng cao thời gian qua đã khiến khả năng mua nhà của người dân càng khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ và sự chênh lệch giàu nghèo.
Cũng theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, "sốt đất" sẽ dẫn tới nguy cơ trầm lắng cho nền kinh tế. "Tại Nhật Bản, khi đồng tiền mất giá, giá bất động sản tăng rất cao dẫn tới tình trạng gần như không có giao dịch. Các hoạt động liên quan tới bất động sản trầm lắng nhiều năm và cuối cùng ảnh hưởng tới nền kinh tế", ông Cường cảnh báo.
Nhìn chung bất động sản năm 2021 là một năm đặc biệt với thị trường bất động sản, như nhiều ngành nghề khác gặp khó khăn thì bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù, có nhiều điểm tích cực trong thị trường như giá bất động vẫn tiếp tục tăng mạnh ở một vài phân khúc, nhóm nhỏ nhà đầu tư hưởng lợi nhưng nhìn chung là nhiều khó khăn với các chủ đầu tư, người mua nhà để ở.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Đáng chú ý tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng như: doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, những vấn đề nêu trên gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản.
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.
Đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Ngoài ra phải xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh…
Đặc biệt, thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, các địa phương, đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, đặc biệt là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường. Nếu có tác động tiêu cực, các cơ quan này cần đề xuất các giải pháp để hạn chế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao rà soát các nhà băng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Đặc biệt, Bộ Công an được giao chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Ở góc nhìn dài hạn, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, để chặn "sốt đất" vấn đề đầu tiên là minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm soát được dòng tiền qua kênh tín dụng. Bởi đầu tư mua đất, ngoài tiền nhàn rỗi còn dùng đòn bẩy về tín dụng. Như Trung Quốc có giải pháp quyết liệt, đầu tiên có thể cho vay khoảng 70% để mua bất động sản, nhưng khi có sốt đất đòn bẩy tín dụng hạ xuống 50%, thậm chí giảm xuống còn khoảng 30%. Như vậy, để có tiền đầu tư, khách hàng phải có 70% giá trị bất động sản. Ngoài ra, giải pháp về thuế rất quan trọng. Trung Quốc, Singapore căn nhà thứ nhất đánh thuế thấp, các căn tiếp theo đánh thuế rất cao để chống đầu cơ.