Tại tòa, bị cáo Dũng thừa nhận bản thân đã được nhận 1,7 tỷ đồng nhưng nộp thuế 35% nên chỉ thực nhận 1,2 tỷ đồng. Bị cáo Dũng nghĩ đó là tiền thù lao khen thưởng của công ty nên đương nhiên được nhận.
Bị cáo Dũng nói: "Tôi không sử dụng tiền này để chi xài cá nhân mà đều làm từ thiện. Sau đó, thấy dư luận trong công ty ồn ào là Ban giám đốc có thu nhập cao nên bức xúc và đề nghị bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) không cho tên mình vào danh sách nhận tiền nữa".
Lý giải về vấn đề nói trên, bị cáo Dũng phân trần: "Việc làm đó không phải nhằm mục đích báo cáo sai mà tôi không muốn mang tiếng xấu. Tôi không nghĩ đó là tiền tham ô và khi bị khởi tố đã nộp lại hết số tiền này".
Bị cáo Dũng cho rằng nhận thức pháp luật của mình hạn chế và đề nghị HĐXX đánh giá lại, nếu bị xử tội tham ô thì cũng chấp nhận, không có ý kiến gì.
Trong vụ án này, bị cáo Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cho mình và nhiều người khác. Bị cáo Dũng đã nhận tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng bằng hình thức thông qua các thư ký, nhân viên của Công ty SADECO. Các thư ký nhận tiền mặt từ thủ quỹ rồi giao lại cho Dũng.
Quá trình điều tra, bị cáo Dũng khai số tiền trên sử dụng để hỗ trợ bà con nghèo nhân dịp khánh thành cầu Tắc Cạn (Long An), hỗ trợ người ốm, hỗ trợ các đoàn công tác, chi quà Tết…
Ngoài ra, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc thừa nhận là người đại diện theo pháp luật của SADECO nhưng không tham ô nên đề nghị HĐXX xem xét lại.
Bị cáo Phạm Xuân Trung (Phó Tổng giám đốc IPC, đại diện vốn IPC, Thành viên HĐQT Công ty SADECO) cũng khẳng định có nhận tiền thù lao khen thưởng hơn 300 triệu nhưng nghĩ rằng đây là tiền của mình nên nhận. Sau này bị cáo Phúc thu lại thì cũng đã trả.