Trong đó, mã vùng trồng được xem là chìa khóa, giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối. Và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng quy trình trồng được kiểm soát theo các tiêu chuẩn chặt chẽ.
Xoài Suối Lớn đi xa nhờ mã số vùng trồng
HTX Xoài Suối Lớn ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện có 50 thành viên với diện tích canh tác 210ha. HTX được Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ hướng dẫn kỹ thuật và thực hành theo các tiêu chuẩn GAP.
Năm 2009, sản phẩm của HTX Xoài Suối Lớn được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 14,5ha. Năm 2010, HTX đạt chứng nhận GlobalGAP với diện tích 9,6ha.
Năm 2017, HTX được cấp 2 mã số vùng trồng với xoài 3 mùa và xoài Đài Loan trên diện tích hơn 40ha.
Ông Nguyễn Thế Bảo, nguyên Giám đốc HTX cho biết, để được cấp mã số vùng trồng, các thành viên HTX phải thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, duy trì thói quen ghi nhật ký sản xuất.
HTX cũng liên kết với Viện Khoa học nông Nghiệp miền Nam chuyển giao công nghệ xử lý nhiệt, có công suất 2 tấn trái/giờ. Với thiết bị này, trái xoài sau khi thu hoạch được bảo quản trong vòng 24 ngày mà vẫn tươi ngon để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Bảo, mã số vùng trồng là chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát tình hình sản xuất. Đồng thời tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Các năm trước, HTX chỉ xuất khoảng 3-4 tấn trái/tuần, không thể giải quyết đầu ra cho nông dân. Từ khi được cấp mã vùng trồng, nhiều doanh nghiệp biết tới HTX và việc mua bán xuất khẩu thuận lợi hơn rất nhiều.
Ngoài thị trường nội địa, trái xoài Suối Lớn đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Ukraina, Nhật Bản với sản lượng 1.000 tấn/năm.
Bà Lê Thị Hiệp - Trưởng phòng NNPTNT huyện Xuân Lộc cho biết, trên địa bàn huyện có 15 mã vùng trồng. Trong đó có 9 mã trên cây xoài, 2 mã với thanh long và 4 mã với chôm chôm.
"Việc cấp mã số vùng trồng khi hội đủ điều kiện sẽ giúp nông sản xuất khẩu thuận lợi hơn; không chỉ Mỹ, Úc mà ngay cả thị trường Trung Quốc", bà Hiệp nói.
Ở huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), trang trại sầu riêng Chánh Thu (thuộc Công ty XNK trái cây Chánh Thu) cũng đang hướng dẫn kỹ thuật, tạo chuỗi liên kết và bao tiêu đầu ra cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Em, quản lý trang trại kể, ít người biết rằng Bình Phước trồng sầu riêng với diện tích lớn và sầu riêng ở đây rất ngon.
Hiện trang trại có kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình hữu cơ. 11ha sầu riêng của trang trại được tưới nước tự động. Từng cây sầu riêng được đánh dấu mã số cây, dùng ký hiệu để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch.
Giống sầu riêng chủ yếu của trang trại là Monthong, đạt sản lượng 150 tấn/năm. Sầu riêng của trang trại được cấp đông để xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu mục tiêu là Trung Quốc và Mỹ, cùng một số nước châu Âu.
Trung Quốc chưa bao giờ là thị trường dễ tính
Theo bà Ngô Tường Vy – Phó Tổng giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu, việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói ở nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc hiện chưa được tốt.
Lâu nay, chưa có nhiều doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc. Đa phần các đơn vị xuất khẩu thông qua các đầu nậu hoặc các công ty làm dịch vụ thông quan ở cửa khẩu.
Bà Vy kể, công ty đang áp dụng rất nhiều quy trình theo tiêu chuẩn đóng gói của Mỹ và châu Âu. Nhưng khi kiểm tra thực tế, Hải quan Trung Quốc vẫn yêu cầu Công ty Chánh Thu cập nhật lại để việc quản lý được chuẩn xác hơn.
"Điều này càng cho thấy thị trường Trung Quốc chưa bao giờ là thị trường dễ tính", bà Vy nhấn mạnh.
Nhiều người thường nói đăng ký mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Thế nhưng mã số vùng trồng đó áp dụng theo tiêu chuẩn nào, VietGAP hay GlobalGAP? Bà Vy đặt vấn đề, Bộ NNPTNT cần có một quy trình chuẩn hơn trong quản lý truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Bộ cũng cần có đội ngũ quản lý để các tiêu chuẩn chất lượng hoàn chỉnh hơn, làm tiền đề để trái cây Việt Nam sẵn sàng đi chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Theo TS. Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT II – TP.HCM), một vướng mắc lớn trong sản xuất nông nghiệp là thông tin sản phẩm mù mờ, quy trình sản xuất của các nông hộ, HTX không rõ ràng.
Trong khi việc chuyển đổi số nông nghiệp đã có nhiều phần mềm hướng dẫn, từ lập kế hoạch sản xuất, ghi nhật ký sản xuất, tiến tới xây dựng mã số vùng trồng... nhưng vẫn chưa được ứng dụng và thực hiện rộng rãi.
"Các địa phương cần đẩy nhanh triển khai hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, làm tiền đề xuất khẩu trái cây. Bên cạnh đó cần xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để phát triển các loại cây trồng phù hợp, phát huy hết thế mạnh tiềm năng của vùng đất cây ăn trái", TS. Trần Minh Hải đề nghị.