Xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc: "Tảng băng chìm" dưới 5.000 xe container bị ùn ứ ở cửa khẩu (bài 2)

Trần Đáng - Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 31/12/2021 06:55 AM (GMT+7)
Việc 5.000 xe container bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc do dịch Covid-19 chỉ là nguyên nhân bề nổi. Phía dưới “tảng băng chìm” này là những hạn chế của việc sản xuất còn manh mún, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng...
Bình luận 0

Thị trường tỷ dân nhưng không dám xuất khẩu đi Trung Quốc

Các đơn vị xuất khẩu thanh long ở Long An đang hồi hộp nghe ngóng thông tin từ thị trường Trung Quốc. Không chỉ chịu áp lực sản lượng lớn trái cây vụ Tết mà hiện tại, hàng ngàn xe nông sản đang mắc kẹt ở cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Ông Trương Quang An - Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu ở huyện Châu Thành cho biết, HTX đang rất lo lắng về tình hình xuất khẩu sắp tới. 

Trước đó, còn có thêm thông tin Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu hàng hóa một số cảng để thực hiện chính sách "Zero Covid" trong thời gian nghỉ Tết nguyên đán.

Hiện nông dân ở Long An đang tập trung chong đèn để làm thanh long vụ Tết. Ông An đánh giá, sản lượng thanh long cho mùa Tết sẽ rất lớn. Riêng HTX Tầm Vu cũng xuất khoảng 30 container thanh long sang Hồng Kông (Trung Quốc) phục vụ thị trường Tết mỗi năm.

Nông dân trồng thanh long ở huyện Tân Trụ, Long An. Ảnh: Trần Đáng

Nông dân trồng thanh long ở huyện Tân Trụ, Long An. Ảnh: Trần Đáng.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cây ăn trái phục vụ Tết của tỉnh có khoảng 10.263 ha, sản lượng 84.699 tấn; tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Lượng trái cây của Tiền Giang đang bắt đầu tăng mạnh do nhiều loại trái bước vào chính vụ thu hoạch, một số loại được xử lý nghịch mùa để phục vụ Tết. Trong đó, thanh long, mít và sầu riêng hiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc.

Ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), HTX thanh long Hòa Lệ có tổng diện tích 35ha, trong đó 5ha đạt chuẩn GlobalGAP, phần còn lại đạt chuẩn VietGAP.

Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX cho biết, với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 650.000 tấn trái, thanh long Bình Thuận chủ yếu phục vụ xuất khẩu với tỷ lệ chiếm hơn 80%.

Song thực tế cho thấy, thanh long của tỉnh hầu như phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Câu chuyện xuất khẩu gặp ở thị trường Trung Quốc để lại quá nhiều bài học chứ không riêng gì trong mùa dịch Covid-19 hiện nay.

Trong mùa cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông Hiệp bị lỗ vốn 5 container thanh long xuất đi Trung Quốc. Hiện tại ông chỉ thu hoạch sản lượng ít rồi cung cấp cho công ty đối tác xuất khẩu đi thị trường các nước khác.

"Thà ít mà chắc ăn. Dù cửa khẩu có thông quan trở lại, tôi cũng không dám đóng container xuất thanh long vụ Tết sang Trung Quốc nữa vì quá sợ", ông Hiệp nói.

Sơ chế đóng gói xuất khẩu thanh long ở HTX thanh long Hòa Lệ, Bình Thuận. . Ảnh: Nguyên Vỹ

Sơ chế đóng gói xuất khẩu thanh long ở HTX thanh long Hòa Lệ, Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Ông Phạm Văn Đồng - Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) kể, HTX cũng từng bị thiệt hại nặng nề trong mùa dịch Covid-19 cuối năm 2020. Khi đó, Trung Quốc bất ngờ đóng cửa khẩu, khách hàng hủy hợp đồng, HTX không xuất khẩu chuối được.

Trái chuối tươi không thể trữ lâu. HTX buộc phải chạy đủ cách đưa 10 container chuối sang Trung Quốc nhờ tiêu thụ nhưng cũng không được thanh toán.

Ông Đồng cho biết, do dịch bệnh, việc nắm thông tin thị trường và bạn hàng Trung Quốc bị động, khiến HTX khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.

"HTX hiện không xuất khẩu được trực tiếp qua Trung Quốc mà phải đi vòng qua một nước thứ ba. Điều này làm ảnh hưởng đến giá thành", ông Đồng nói.

Ai tạo nên rủi ro?

Ông Lý Minh Hùng – Giám đốc HTX chuối Thanh Bình ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) kể trong năm 2021, HTX đã nhiều lần đàm phán cùng thương nhân Trung Quốc, với thương vụ xuất khẩu chuối lên đến 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, HTX vẫn chưa thể đi đến thỏa thuận hợp tác và ký kết để hợp đồng mua bán cho đối tác nước ngoài này. 

Các đơn hàng lớn đi kèm rủi ro lớn. Ông Hùng cho rằng cần phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ ngoại thương, tức là mở LC (letter of credit) - thanh toán theo thư tín dụng để tiền và bộ chứng từ được thực hiện theo thông lệ quốc tế, giữa ngân hàng nước xuất khẩu và ngân hàng nước nhập khẩu.

Các hợp đồng thương mại phải có chế tài pháp lý ràng buộc. Chế tài ở đây là ràng buộc tài chính kèm theo thì vẫn còn gặp khó nên HTX Thanh Bình chưa dám mạo hiểm. "Thà là mình thực hiện gia công để xuất bán còn hơn là ký trực tiếp rồi không biết thị trường trường ngày mai thế nào, qua Tết sẽ thế nào" ông Hùng nói.

Nông dân trồng chuối ở xã Thanh Bình, huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng chuối ở xã Thanh Bình, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng giống như HTX Quyết Tiến, thị trường xuất khẩu của HTX Thanh Bình vẫn thông qua một đơn vị trung gian. Đơn vị này thu mua, rồi đóng gói sản phẩm vào bao bì, nhãn mác riêng của họ, rồi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Điều này tạo nên một bất cập lớn khi chính các chủ vườn không trực tiếp làm việc với thương lái nước bạn. Vì vậy, thương hiệu chuối của HTX Thanh Bình cũng như các hộ trồng chuối bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Trần Anh Tùng, nông dân huyện Long Thành (Đồng Nai) cũng là một người tha thiết mong trái sầu riêng sớm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Tùng, trong sự cố ùn ứ nông sản ở cửa khẩu lần này, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chịu rủi ro trong 1 chu kỳ vận chuyển nông sản. Thiệt hại nặng nề vẫn đổ lên đầu nông dân.

Khi xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, các nước tuân thủ các thông lệ quốc tế, mua bán bằng hợp đồng và theo cơ chế cung cầu. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến thiếu hụt cục bộ, họ mới phải tìm kiếm thị trường khác bổ sung. Ngược lại, thị trường Trung Quốc luôn đầy biến động.

Ông Trần Anh Tùng trồng và kinh doanh sầu riêng ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng

Ông Trần Anh Tùng trồng và kinh doanh sầu riêng ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng

Ông Tùng cho biết, không thể trách nước bạn trong tiến trình chuẩn hóa quy định nhập khẩu và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Trong quá trình canh tác, xuất khẩu, Trung Quốc là một "thao trường" tốt để nông dân tập dợt theo các tiêu chuẩn khắt khe.

Thế nhưng, thị trường Trung Quốc liên tục thay đổi các quyết sách xuất nhập khẩu. Ngay cả chính quyền một tỉnh cũng được phép ra thông báo ngừng thông quan hàng hóa vì lý do dịch bệnh.

Mà đã vin vào cớ thiên tai dịch họa, thương lái có quyền không thu mua hoặc không thanh toán vì quyết định đưa ra từ phía chính quyền. Nghĩa là vô vàn rủi ro đã, đang và sẽ còn tiếp tục chực chờ với trái cây Việt Nam.

Ông Tùng cho rằng, trong nước nói quá nhiều đến yêu cầu thay đổi tư duy, xuất khẩu chính ngạch hoặc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là một thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng.

"Cũng cần phải tính lại phương án bảo hiểm nông nghiệp, có thể cho riêng thị trường Trung Quốc để giảm thiểu các rủi ro", ông Tùng đề nghị.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đã lâu rồi, người Việt chỉ quen nói đến thành tích, nói về đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao… mà ít khi nghĩ đến các rủi ro chực chờ.

Con đường xuất trái cây chính ngạch vẫn còn những "hòn đá" lớn phải nhấc ra bên lề. "Hòn đá" ở cuối đường là nghịch lý về giả cả, thị trường. Còn "hòn đá" lớn ở ngay đầu đường là năng lực nắm bắt thông tin thị trường, là những tác nhân bất lợi, những diễn biến thực tế dễ xảy ra trong chuỗi cung ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem