Dân Việt

Xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc: Rau quả cũng phải có "mã số định danh" chính xác (bài 4)

Trần Đáng - Nguyên Vỹ 02/01/2022 08:08 GMT+7
Từ năm 2018, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản nhập khẩu. Đầu năm 2022, xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc bắt buộc phải xuất nguồn gốc.

Thế nhưng việc quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đến nay vẫn còn không ít khó khăn.

Chưa phát huy hết tác dụng

Xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang có hơn 2.000ha đất trồng chuối già hương, với gần 900 nông hộ. Trong đó có khoảng 100ha chuối được HTX Thanh Bình liên kết sản xuất xuất, tiêu thụ theo hướng hữu cơ và khép kín.

Qua tìm hiểu ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX DV-NN Thanh Bình biết được, từ năm 2019 thị trường Trung Quốc chính thức áp dụng yêu cầu trái cây xuất khẩu chính ngạch phải xuất phát từ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang có hơn 2.000ha đất trồng chuối già hương. Trong ảnh: Một hộ dân trồng chuối ở xã Thanh Bình, huyện Định Quán. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang có hơn 2.000ha đất trồng chuối già hương. Trong ảnh: Một hộ dân trồng chuối ở xã Thanh Bình, huyện Định Quán. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Từ năm 2017, xã Thanh Bình đã được cấp mã vùng trồng trên diện tích 230ha. Đến nay, diện tích trồng chuối ở Đồng Nai đã tăng lên rất nhiều. Vì thế mã vùng trước đây không còn phù hợp.

HTX Thanh Bình mong muốn được cấp mã vùng trồng mới. Theo ông Hùng, mã vùng trồng không thể hiện quy trình sản xuất. Tuy nhiên, đơn vị nào được cấp mã vùng trồng, đồng nghĩa đã bảo đảm được quy trình sản xuất chất lượng.

"Mã vùng trồng càng chi tiết bao nhiêu thì người sở hữu mã vùng đó càng dễ xuất khẩu. Thậm chí có thể tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý để dễ bán hàng và các đối tác biết đến mình nhiều hơn", ông Hùng nói.

Ngược lại, Tổ hợp tác trồng xoài ở xã La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã tham gia VietGAP, được cấp mã vùng từ nhiều năm nay. Thế nhưng doanh nghiệp thu mua lại chưa được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ông Cao Văn Hải, thành viên của tổ hợp tác kể, mã số vùng trồng có thời hạn nhất định. Đến khi đã hết hạn mà không đăng ký lại thì mã số đó kể như bị hủy.

Vườn của ông Hải đã được cấp mã số vùng trồng hơn 2 năm. Nhưng đến nay, mã số vùng trồng chưa phát huy được tác dụng vì thương lái chỉ đến mua để tiêu thụ nội địa. Cho nên mã số vùng trồng mà vườn ông có được cũng như không.

Vườn xoài của người dân trên trên địa bàn huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: Minh Khôi

Vườn xoài của người dân trên trên địa bàn huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: Minh Khôi

Ông La Quốc Thanh -  Tổ trưởng tổ hợp tác xã xoài xã La Ngà cho biết, nông dân rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì khả năng tiêu thụ lớn. "Việc cấp mã số vùng trồng đến nay dù đã chính danh, nhưng xoài của tổ hợp tác vẫn chưa kết nối được với các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Thanh nói.

Khó quản lý

Bình Thuận là thủ phủ trồng thanh long cả nước. Với diện tích khoảng 35.000ha, sản lượng trái thanh long của Bình Thuận khoảng 600.000-700.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2018 đến nay, Bình Thuận đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, một số lô hàng thanh long của Bình Thuận đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do cả khách quan lẫn chủ quan, liên quan đến mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Tháng 9/2021, Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP.Đông Hưng (Trung Quốc) thông báo trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long ruột trắng (mã trồng VN-BTHOR-0035, xưởng đóng gói VN-BTHPH-051) có xuất xứ từ Bình Thuận dương tính với Covid-19.

Ký hiệu trên lô hàng cho biết, lô hàng "nhiễm Covid-19 trên bề mặt bao bì" này được đóng gói lại cơ sở L.L ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Khi Sở Công thương Bình Thuận liên hệ với huyện Hàm Thuận Nam thì được biết  cơ sở L.L đã không còn hoạt động. Như thế, nhiều khả năng đã có cơ sở nào khác "mượn" mã đóng gói của cơ sở L.L để xuất khẩu thanh long.

Một cơ sở sản xuất, kinh doanh trái thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một cơ sở sản xuất, kinh doanh trái thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Mới đây, ngày 29/12, Cơ quan Kiểm soát phòng chống dịch TP.Bằng Tường (Trung Quốc) vừa ra thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng thanh long từ Việt Nam trong 4 tuần. Nguyên nhân do một số mã công ty bao bì, mã đơn vị sản xuất, mã đơn vị đóng gói, mã đơn vị sản xuất kinh doanh bị phát hiện có virus Sars-CoV-2. 

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất vùng ĐBSCL. Đến nay, Tiền Giang đã cấp 127 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, trong vùng trồng được cấp mã số hiện nay, có một số diện tích chuyển sang cây trồng mới hoặc trồng xen với các loại cây khác. Điều này ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát, quản lý mã số vùng trồng.

Hiện vẫn còn một số hộ dân và cơ sở thu mua để lẫn lộn sản phẩm đã được cấp mã số vùng trồng với sản phẩm bên ngoài vùng được cấp mã số.

Một số cơ sở đóng gói xuất khẩu sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp, nhưng không hoạt động thu mua tại vùng trồng đã cấp. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.

Bà Đinh Phương Khanh – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 388 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kiêm ngạch xuất khẩu nông sảnc cả tỉnh.

Đến nay, Long An đã cấp ấp 217 mã số vùng trồng cho các loại nông sản. Riêng thị trường Trung Quốc là 69 mã số, trong đó thanh long 54 mã; chuối có 2 mã số; dưa hấu là 13 mã. Mã số cơ sơ đóng gói được cấp cho 134 cơ sở.

Sơ chế trái thanh long tại một công ty xuất khẩu trái cây ở Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sơ chế trái thanh long tại một công ty xuất khẩu trái cây ở Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Bà Khanh kể, vừa qua Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra trực tuyến về mã vùng trồng và cơ sở đóng gói mặt hàng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An. Rất nhiều hạn chế và kẻ hở đã bộc lộ khi các cơ sở đóng gói trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra. Có đến 8 doanh nghiệp lớn còn mắc phải những hạn chế trong phòng trừ sâu bệnh, và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bà Khanh thừa nhận, đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến việc hướng dẫn các cơ sở chưa kịp thời. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại việc nhận thức khác nhau hoặc chưa đầy đủ về quy định từ phía Trung Quốc cho đến khi triển khai xuống các cơ sở.

Đại diện Sở NNPTNT Long An đề nghị Bộ NNPTNT có hướng dẫn cụ thể, thường xuyên hơn vì ngay các doanh nghiệp lớn không đạt yêu cầu thì các doanh nghiệp nhỏ còn lại cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Cũng theo bà Khanh, thông tin thị trường hiện nay vẫn còn chậm. Việc Trung Quốc cấm, không cho mã số nào được xuất khẩu thì khâu phản hồi thông tin vẫn chưa kịp thời. "Nhiều khi doanh nghiệp đóng hàng lên tới cửa khẩu rồi mới nhận được thông tin. Doanh nghiệp phải chở hàng quay ngược trở về, rất tốn kém chi phí và thời gian", bà Khanh kể.