Dân Việt

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vụ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi vì 4 vấn đề lớn

PVCT 31/12/2021 06:19 GMT+7
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, việc Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) kịp thời đưa vụ án Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo vì có 4 vấn đề lớn.

Liên quan đến vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á gây bức xúc lớn trong dư luận, theo thông cáo báo chí ngày 30/12, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, và yêu cầu:

Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vụ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi vì 4 vấn đề lớn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh Ban Nội chính Trung ương

Thường trực Ban Chỉ đạo còn giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là rất kịp thời và rất cần thiết. Thứ nhất, đây là vụ án có mức độ vi phạm rất nghiêm trọng.

Thứ hai, khả năng có "cá lớn" nên phải có chỉ đạo mang tính chất ở tầm cao, tập trung; thứ ba, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; thứ tư, đây là vụ án có tính chất rất phức tạp, sai phạm có dấu hiệu xảy ra trên diện rộng nên phải có sự phối hợp, phân công trách nhiệm để làm rõ bản chất vụ án.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vụ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi vì 4 vấn đề lớn - Ảnh 2.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh VGP

Thông thường các vụ án lớn, các vụ việc gây bức xúc dư luận trước đây, khi đến cuộc họp định kỳ của Thường trực Chỉ đạo, mới được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Còn vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á lập tức được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo không phải chờ tới cuộc họp định kỳ.

"Vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á được đưa ngay vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thể hiện tính cấp bách. Vụ án này nằm trong hoàn cảnh đặc biệt, giai đoạn hiện nay chúng ta vừa phải chống dịch vừa phải xử lý các vi phạm để tránh các vi phạm chồng chất; đồng thời làm gương cho các vấn đề khác nên phải xử lý rốt ráo hơn trường hợp bình thường", ông Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2021), trong nghị quyết về chất vấn Quốc hội yêu cầu, trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều công đoạn, nhiều khâu khác nhau nên phải thanh tra, kiểm toán một cách toàn diện để đảm bảo tính công bằng, toàn diện trong quản lý nhà nước để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý để cho đảm bảo sự trong sạch.

ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch –Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng nhìn nhận, vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thể hiện sự kịp thời và phù hợp, bởi đây là vụ án gây bức xúc mà dư luận và nhân dân đang rất quan tâm.

Theo ông Kim, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, luôn luôn nhắc nhở, không được lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… nhưng vụ việc như Công ty Việt Á vẫn xảy ra.

Ông Kim cho rằng, việc "thổi" giá kit xét nghiệm để trục lợi một mình Công ty Việt Á không thể làm được. "Tôi nghĩ đằng sau vụ này, có một thế lực ngầm đang ủng hộ, chia chác, không phải "sân sau, sân trước" mà tham gia trực tiếp – nghĩa là cùng sân để làm ăn, để tham nhũng", ông Vũ Trọng Kim nói.