Nhắc đến chè Việt Nam, dễ liên tưởng ngay đến những vùng chè công nghiệp nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của chè Việt như Mộc Châu, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ… Nhưng với những vùng chè cổ thụ, nơi mà cây chè có đến vài trăm năm tuổi, thân cao vài chục mét và 2-3 người ôm không xuể, thì lượng thông tin tìm được thật hạn chế, ít người biết đến.
Vùng chè cổ thụ trải dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Phú Thọ.
Từ những thông tin vụn vặt, được cóp nhặt qua những câu chuyện về quần thể chè cổ thụ trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, chúng tôi quyết định lên đường để mục sở thị vùng chè cổ thụ tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết. 5 giờ sáng, xuất phát từ TP.Việt Trì, khi chúng tôi có mặt ở Vườn quốc gia Xuân Sơn đã là 7 giờ. Mây mù, sương sớm vẫn bảng lảng, phủ kín, ôm trọn núi rừng, bản làng nơi đây.
Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ trong Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện nay rất cần được quản lý, bảo tồn, khai thác được hết tiềm năng. Không chỉ là việc đưa ra sản phẩm chè, nhân rộng quy mô mà còn có thể gắn với du lịch trải nghiệm.
Vừa pha ấm trà nóng, rót mời khách, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn bảo: "Trong Vườn quốc gia Xuân Sơn có cả nghìn cây chè Shan tuyết nằm rải rác, nhưng có một quần thể gồm 67 cây nằm thành một cụm. Tuy nhiên để vào đó, đường khó đi, phải men đường mòn, lội sâu vào lõi rừng mới tới nơi. Không biết các phóng viên có đi được không, nếu có đi thì phải đi sớm, kẻo sẽ về muộn".
Theo chân anh Nguyễn Văn Hùng - cán bộ Vườn quốc gia Xuân Sơn, chúng tôi men theo con đường đất gồ ghề, khó đi. Điểm đầu tiên chúng tôi phải chinh phục là con dốc cây nhội. Theo anh Hùng, đây là đoạn đường đất, dốc, nếu đi vào ngày mưa sẽ rất vất vả vì trơn trượt. Dù đã có kinh nghiệm gần 10 năm quản lý rừng, nhưng mỗi lần anh em qua đây vào mùa mưa cũng ngán ngẩm vì đường trơn, ngã dúi dụi.
Với kinh nghiệm nhiều năm cắm bản, bảo vệ rừng, anh Hùng biết cách dẫn đường cho chúng tôi theo con đường dễ đi nhất. Đó là đi vòng qua xóm Nài, xã Náng Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, sau đó mới băng rừng vào đồi chè cổ.
Sau gần 2 giờ đi xe máy, cuốc bộ băng đồi, chúng tôi cũng có mặt tại xóm Nài. Theo anh Hùng, mọi khó khăn mới chỉ bắt đầu, tuy nhiên, anh chị cố gắng đến nơi, khi chứng kiến quần thể chè cổ thụ, đẹp ngỡ ngàng thì những mệt mỏi kia sẽ được xua tan đi hết.
Từ xóm Nài, chúng tôi không biết đã len lỏi trong rừng bao xa, vượt qua bao con dốc dựng đứng, bao sườn núi, bao ghềnh đá cheo veo với gai leo đâm xước, chân chùn bước, run rẩy… Chỉ biết rằng sau gần 2 tiếng, chúng tôi cũng tới nơi.
Quần thể chè giá trị
Đứng từ một mỏm núi, nhìn xuống bãi đất bằng phẳng, xa xa là quần thể chè xanh mướt, cao vút. Ai nấy trong đoàn cũng háo hức, chỉ mong chạy thật nhanh đến nơi để ngắm nhìn những cây chè cổ thụ trong quần thể này.
Lại gần hơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về những thân chè cổ thụ sần sùi, mốc meo, minh chứng cho sức sống mãnh liệt ở nơi đất đá cằn cỗi này. Những cây chè cổ thụ ở đây có đường kính thân phải 1 – 2 người lớn mới ôm hết, vươn mình lên cao vài chục mét.
Những búp chè to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn. Hoa chè to, màu trắng phớt xanh, gồm 5 – 7 cánh không xếp lên nhau, cánh hoa mỏng, đài hoa không lông, bầu nhụy có lông, đầu nhụy chia 3 trông rất đẹp mắt.
Theo anh Hùng, những cây chè cổ thụ này không được chăm sóc, chỉ mọc tự nhiên. Người dân bản địa thường bắc thang, bắc giàn để leo lên cao mới có thể hái được búp chè non.
"Chè cổ thụ này người dân hái bán được khoảng 40.000 đồng/kg tươi, sao khô có giá khoảng 400.000 đồng/kg" - anh Hùng chia sẻ.
Cũng theo anh Hùng, để bảo tồn, nhân rộng, tạo thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ nói riêng và chè Phú Thọ nói chung, Vườn quốc gia Xuân Sơn đang làm đề tài "Điều tra, đánh giá giá thực trạng và đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chè Shan tuyết tại Vườn quốc gia Xuân Sơn".
"Đề tài rất được tỉnh Phú Thọ quan tâm. Nhiều lãnh đạo, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về chè cũng đã về đây khảo sát. Theo các nhà khoa học, sau khi nghiên cứu, nhận thấy quần thể chè Shan Tuyết cổ thụ ở đây rất có giá trị, sánh ngang ngửa với những rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La) hay Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…" - anh Hùng cho biết thêm.