Quảng Trị: "Kho báu" lộ thiên những thân chè cổ thụ vững chãi lên nu sần, rêu phong

Thứ sáu, ngày 30/07/2021 19:36 PM (GMT+7)
Những vườn chè cổ thụ trăm tuổi ở xứ Cùa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vừa mang lại giá trị phát triển kinh tế cho người dân địa phương đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch.
Bình luận 0
Quảng Trị: "Kho báu" lộ thiên  - Ảnh 1.

Một vườn chè cổ thụ đặc trưng ở vùng Cùa, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. (Nguồn: quangtritv.vn)

Về vùng đất Cùa, lạc vào những vườn chè cổ thụ cao lớn rợp bóng xanh mướt, có cảm tưởng như lạc vào một miền cổ tích xa xăm. Những thân chè vững chãi lên nu sần, rêu phong đã nhuốm màu thời gian và trải qua bao thăng trầm của lịch sử tựa như những nhân chứng sống về miền đất Cùa thương mến.

Cùa là vùng đất đỏ bazan gồm 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hiện còn nhiều vườn chè cổ thụ có tuổi thọ trung bình từ 70-100 năm, nhiều cây được trồng cách đây hơn 150 năm, gắn bó với cả đời người.

Thế mạnh của vùng đất này là cây cao su, hồ tiêu với diện tích lớn hàng chục ha, mang lại sự đổi thay trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, trước đây khi cây công nghiệp chưa phát triển mạnh trên vùng đất này, cây chè xanh cũng là cây chủ lực, tạo ra nguồn thu đáng kể cho bà con. Chính vì vậy, nơi đây còn lưu lại nhiều vườn chè xanh rộng gần 1ha, có nguồn gốc hàng trăm năm.

Nổi tiếng gần xa bởi chất lượng thơm ngon cũng như tuổi thọ, từ lâu những vườn chè cổ thụ trên 100 năm đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Cùa. 

Gia đình bà Hoàng Thị Thoại (72 tuổi), thôn Mai Trung, Cam Chính là một trong những gia đình có nhiều cây chè cổ thụ lâu năm nhất xã. Khu vườn chè cổ thụ của gia đình bà hiện có trên 100 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi và hàng trăm gốc cây chè cổ thụ có tuổi hàng chục năm. Trung bình 1 năm gia đình bà thu lợi nhuận từ vườn chè được khoảng 30 triệu đồng.

Giống chè cổ thụ này nấu nước lên uống có vị rất thơm, ngon nên nổi tiếng gần xa, được người dân Quảng Trị ưa chuộng. Người lớn thì uống, trẻ con thì tắm tránh rôm sảy, lá cây chè như một loại "thần dược" đối với người nông dân xứ này.

Quảng Trị: "Kho báu" lộ thiên  - Ảnh 2.

Bà Thoại thu hái lá chè từ những cây chè cổ thụ trong vườn của gia đình. (Nguồn: quangtritv.vn)


Giống cây chè cổ thụ như chỉ được sinh ra để dành cho mảnh đất này, đã có nhiều nơi thử trồng nhưng khó thành công. Cây chè cổ thụ xứ Cùa có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng người dân nơi đây hầu như không phải chăm bón, tưới tiêu gì mà cây chè cứ vững chãi, đầy sức sống từ đời này đến đời khác vươn lên xanh tốt, cho lá xanh non.

Những cây chè cao vút hàng năm được người dân cắt tỉa, chặt bớt tán và cành để khỏi gãy đổ vào mùa mưa thế nhưng vẫn cao gần 10m, đường kính thân cây 30-40cm. Điều đặc biệt nhất khi muốn hái được lá của loại chè cổ thụ này, bà con phải bắc thang để cắt. Mỗi kg lá chè tươi được thương lái thu mua tận nhà với giá 4.000-6.000 đồng.

Đối với người dân xứ Cùa, cây chè cổ thụ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang cốt cách, bản lĩnh của một vùng quê từ thuở khai thiên lập địa. Giống chè cổ thụ có lá nhỏ khi nấu sẽ có nhiều vị ở trong đó. Mới uống vào có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xong thì lưu lại vị ngọt, thơm trong khoang miệng. Lá chè khi nấu đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn thơm tròn vị. Ở vùng này, ly nước chè xanh là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây.

Tại xã Cam Chính hiện có hơn 100 hộ đang trồng chè cổ thụ, nhà ít có vài cây nhưng có những nhà có hàng trăm gốc cây có tuổi thọ trên 100 tuổi. Hiện nay, những gốc chè cổ thụ được thương lái trả giá rất cao, trung bình trên 10 triệu/gốc, đặc biệt có gốc tuổi thọ trên 150 năm được trả giá hàng chục triệu đồng.

Với giá trị và ý nghĩa đặc biệt riêng của mình, ngày nay người dân nơi đây vẫn đang ra sức bảo vệ và giữ gìn cho con cháu. Bà Nguyễn Thị Tiến (80 tuổi), thôn Mai Trung, xã Cam Chính cho biết những gốc chè cổ thụ của gia đình bà có tuổi đời trên 120 năm. Những năm qua, đã có nhiều người đến hỏi mua với giá 7-10 triệu/gốc chè để về trồng tại quán ăn, nhà hàng, quán càphê…nhưng bà nhất định không bán bởi không chỉ bà mà con cháu trong nhà đều xem những cây chè này như là một người thân trong gia đình đã chứng kiến những vui, buồn, biến cố của bao thế hệ trong suốt những năm qua.

Ngày nay, những vườn chè cổ thụ nhuộm màu thời gian rợp bóng xứ Cùa vẫn còn tồn tại và ngày càng phát triển. Những vườn chè mới được người dân chiết cành, gieo hạt bừng bừng sức sống giữa cái nắng, gió và đất đỏ bazan trù phú mọc trải dài trên những triền đồi. Bên những vườn chè cổ thụ rợp bóng những vườn chè mới vẫn đang sinh sôi nảy lộc.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính chia sẻ cây chè cổ thụ trong những năm qua là niềm tự hào của người dân trong xã. Những vườn chè này vừa mang lại giá trị phát triển kinh tế của người dân địa phương đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch.

Xã đang tiếp tục khảo sát lại, vận động bà con phục hồi, giữ gìn những vườn chè cổ thụ cũng như duy trì chất lượng vườn chè của xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch để xây dựng thương hiệu chè Cùa gắn với du lịch về tâm linh cũng như khai thác tối đa thế mạnh của các mặt hàng nông sản và dịch vụ trên địa bàn./.

PV (Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem