Cam hữu cơ Lạng Sơn được giá
Những ngày cuối năm, Nông dân xuất sắc năm 2021 Dương Văn Dũng (60 tuổi, ở thị trấn Bắc Sơn) luôn tất bật với những cuộc điện thoại đặt hàng, rồi thu hái cam, đóng gói chuyển đi nhiều tỉnh thành ở miền Bắc.
Ông Dũng chia sẻ, sở dĩ cam canh của nhà ông đắt hàng bởi ngay từ đầu ông đã xác định sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, mà nhà ông trực tiếp ủ phân hữu cơ từ cỏ, phân chuồng và các loại nguyên liệu khác như đậu tương, cá khô… để bón cho vườn cam Canh 1.300 gốc đang vào giai đoạn sinh trưởng và thu hoạch tốt nhất.
Ông Dũng chia sẻ thêm, đã trồng cam Canh nhiều năm, nên ông có kinh nghiệm chăm bón để quả cam có thời gian chín như ý, kéo dài thời gian thu hoạch khoảng 2 tháng vào dịp cuối năm. Dù thời gian thu hoạch dài nhưng trái cam hữu cơ của gia đình ông vẫn đảm bảo vỏ mỏng, không nứt, chất lượng múi thì mềm, ăn ngọt, và đặc biệt nhất là cam hữu cơ có vị thơm mát rất đặc trưng của vùng đất Bắc Sơn.
Trước kia, vùng đất này nổi tiếng với giống quýt thơm ngon, nhưng hiện nay nhiều nông dân đã khai phá và thử nghiệm thành công với giống cam Canh khó tính đưa từ dưới xuôi lên, khiến nhiều người phải bất ngờ.
"Nếu kiên trì với canh tác hữu cơ, cùng sự thay đổi về phương thức sản xuất thì cây cam Canh hoàn toàn có thể là cây làm giàu cho những người nông dân Bắc Sơn".
Ông Dương Văn Dũng
Nông dân Dương Văn Dũng chia sẻ, đầu mùa, cam Canh hữu cơ nhà ông đang có giá bán là 45.000 đồng/kg. Nhưng càng gần đến tết thì giá cam sẽ tăng theo thời gian. Khách hàng mua cam hữu cơ nhà ông Dũng đến từ Hưng Yên, Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội.
Nhiều khách hàng thông qua mạng xã hội đặt mua và nhà ông Dũng sẽ đóng thùng gửi xe tới các địa chỉ của khách hàng. Vụ cam này, với dự kiến sản lượng đạt khoảng 45 - 47 tấn, gia đình ông Dũng cũng có doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng.
Nói về cơ hội của cây Cam canh trên đất Bắc Sơn, ông Dũng cho rằng: Nếu kiên trì với canh tác hữu cơ, cùng sự thay đổi về phương thức sản xuất thì cây cam Canh hoàn toàn có thể là cây làm giàu cho những người nông dân Bắc Sơn. Bởi vùng đất này có khí hậu, và thổ nhưỡng rất tốt cho cây cam Canh, cho chất lượng quả đẹp, màu sắc đỏ tươi bắt mắt, lại có vị thơm mát ngọt của cam canh Bắc Sơn mà không nơi nào có.
Nâng tầm nông sản
Trò chuyện với phóng viên, ông Hà Đức Quý - người chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định, nói: "Mình cũng là một nông dân đích thực, nhưng mình đã phải đi nhiều nước để học tập kinh nghiệm sản xuất, chế biến thạch đen. Nhờ đó, ngày hôm nay mình làm ra những sản phẩm mang thượng hiệu, đặc trưng của vùng đất Lạng Sơn giới thiệu với khách hàng trong nước và quốc tế".
Ông Quý cho biết thêm, trước đây, ông đã xuất khẩu thạch đen sang Ấn Độ, Đài Loan, Hongkong, Malaysia. Ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư về xuất khẩu thạch đen, ông lập tức kết nối với đối tác Trung Quốc để hợp tác kinh doanh.
"Trong nhà máy của tôi đã đầu tư các thiết bị chiết xuất, lọc các chất tồn dư có trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, sản phẩm tinh bột thạch đen của chúng tôi 100% là nguyên chất và đảm bảo an toàn thực phẩm" - ông Quý nói. Hiện công suất nhà máy chiết xuất tinh bột thạch đen Đức Quý đạt khoảng 2.000 tấn/năm.
Cũng là một hướng nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn, phải kể đến những sản phẩm chế biến từ quế - hồi của Công ty Chế biến và xuất khẩu lâm sản Lạng Sơn, như tinh dầu, các sản phẩm dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén...
Theo chị Ngân - cán bộ công ty, với nông dân đơn thuần thì bà con cũng chỉ bán hay xuất thô các nông sản thôi. Nhưng để nâng cao giá trị sản phẩm từ quế, hồi thì phải ứng dụng công nghệ, chế biến, sản xuất thành các sản phẩm hoàn chỉnh, rồi quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Nhờ đó sản phẩm của công ty được biết đến rộng rãi, sức tiêu thụ tốt.