Dân Việt

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Doanh nghiệp là đầu tàu, dẫn dắt người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn

Huệ - Ngọc 05/01/2022 16:22 GMT+7
Sáng nay 5/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đã có buổi gặp đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM), Tập đoàn De Heus (Hà Lan). Đây là 2 doanh nghiệp lớn đang có nhiều dự án chăn nuôi, triển khai theo mô hình liên kết chuỗi với sự tham gia của các hộ nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân: Doanh nghiệp là đầu tàu, dẫn dắt người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn

Tại buổi gặp, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đang cùng nhau tập trung đầu tư một loạt dự án chăn nuôi lớn ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Điển hình là năm 2020, 2 tập đoàn đã khởi công Tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2020-2025 là 1.500 tỷ đồng. 

Hiện dự án này đã đi vào hoạt động, với quy mô chăn nuôi 2.500 con heo ông bà, cụ kỵ - lớn nhất Tây Nguyên hiện nay.

Chủ tịch Trung ương Hội NDVN: Doanh nghiệp là đầu tàu, dẫn dắt người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn - Ảnh 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn (bên phải ảnh) trao đổi với đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: Minh Ngọc

"Ngay khi cùng kí kết hợp tác, 2 tập đoàn đã chú trọng sẽ đầu tư liên kết chuỗi, đồng hành với người chăn nuôi. Sau dự án tại Đắk Lắk, năm 2020 chúng tôi khánh thành Nhà máy giống gia cầm Bel Gà Tây Ninh. Và đến đầu tháng 5/2022, dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Gia Lai sẽ chính thức khởi công, nhằm cung ứng con giống heo chất lượng cho người chăn nuôi Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên. Đây sẽ là dự án trọng điểm của 2 tập đoàn trong năm 2022" – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, các dự án chăn nuôi hiện đang tạo việc làm cho 200-300 lao động, trong đó có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao các dự án 2 tập đoàn đang triển khai, đóng góp cho sự phát triển của ngành chăn nuôi nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, đặc biệt các dự án sẽ giúp người nông dân địa phương được hưởng lợi, có công ăn việc làm.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn cho biết thời gian qua, giữa Trung ương Hội ND và các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đã có sự gắn kết, tuy còn rời rạc nhưng đã bước đầu kết nối được với nhiều hộ nông dân. Kí kết làm ăn với doanh nghiệp, nông dân được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn, từ đó bà con cũng nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện kỹ năng quản lý trang trại.

"Trong chuỗi này, dứt khoát doanh nghiệp phải là đầu tàu, có vai trò dẫn dắt người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn; còn doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Với nguồn lực và chức năng của mình, Hội NDVN đứng ra làm trung gian, kết nối bà con với doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị các chính sách, chủ trương với Bộ NNPTNT, với Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho bà con nông dân, thúc đẩy các liên kết chuỗi" – ông Đoàn nói.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội NDVN, năm 2022, Hội NDVN đang phối hợp với Bưu điện Việt Nam nhằm đưa nông sản của bà con lên sàn điện tử tiêu thụ. Trước mắt sẽ phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình số hóa tại 3 tỉnh, theo đó từ cán bộ Hội ND đến bà con sẽ cùng tham gia, vừa làm vừa học hỏi để đúc rút ra cách làm hiệu quả nhất rồi mới nhân rộng.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho rằng, thời gian qua các cụm từ liên kết chuỗi, nông nghiệp số, nông dân số đã được nói đến rất nhiều, nhưng cụ thể cách làm thế nào để hiệu quả, bán được nông sản với giá cao thì không phải ai cũng trả lời được.

"Vừa rồi Hội ND đã cùng Google thực hiện khảo sát về chuyển đổi số nông nghiệp, đi xuống nông dân họ mới vỡ òa nhiều điều. Bản thân nhiều nông dân đang dùng điện thoại thông minh nhưng chỉ biết nghe, gọi, vào mạng xã hội mà không biết cách biến nó thành công cụ phục vụ sản xuất" – ông Đoàn nói.  

Vì thế, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đề nghị Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt chủ trì tổ chức diễn đàn về chủ đề trên, nhằm phân tích những khó khăn, thuận lợi khi áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó mong muốn và hoan nghênh các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao, có những "đặt hàng" cụ thể với nông dân…