Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu vực trung tâm dần trở nên bão hòa, làn sóng đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển theo những xu hướng mới về những vùng đất tiềm năng và Hòa Bình đang nổi lên là lực hấp dẫn dành cho nhà đầu tư bất động sản tại khu vực phía Bắc, nhất là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Tại Tọa đàm: "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình" do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam vừa diễn ra giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá, Hòa Bình là thị trường đầy triển vọng của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng miền Bắc, hội tụ những yếu tố cần và đủ để tỏa sáng giữa bão Covid-19.
Trong đó, các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có tính thanh khoản ở mức rất cao và giá vẫn tiếp tục tăng lên. Tỷ lệ hấp thụ các dự án ở ngưỡng cao và còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong suốt 20 năm vừa qua, chúng ta chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng. Theo đó, có nhiều lý do để khách hàng chọn lựa sản phẩm bất động sản để đầu tư ở những địa bàn xung quanh Hà Nội trong đó có Hòa Bình.
Bởi, Hòa Bình có vị trí, giao thông thuận tiện, chỉ mất 1 giờ đồng hồ đi đường tới Hà Nội; có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng như: nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo… Ngoài ra, Hòa Bình còn có văn hóa Mường và Hồ Hòa Bình là những lợi thế không phải địa phương nào cũng có.
Đồng quan điểm với PSG.TS. Trần Kim Chung, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Theo đó, trong một năm trở lại đây, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô chia sẻ, đến nay, đã có nhiều chính sách được đầu tư cho Hòa Bình, đây là bước tiến quan trọng để lập quy hoạch và hành lang cụ thể về chính sách. Chính sách phát triển, thủ tục rõ ràng khiến doanh nghiệp ngày càng tự tin khi đầu tư vào Hòa Bình.
"Năm 2020, doanh nghiệp chúng tôi nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các khu vực ngoại ô dù thời điểm đó nhiều đơn vị, khách hàng thích đầu tư vào các trung tâm resort và ngoại ô không phải là điểm đến của họ nhưng tôi đã thuyết phục thành công. Tôi cho rằng, sau đại dịch Covid-19, làn sóng staycation càng ngày càng mở rộng. Doanh nghiệp lớn đầu tư làm việc với chúng tôi vì họ nhìn thấy sự đồng bộ phát triển gắn với thiên nhiên", ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, hiện nay vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp phát triển dự án là làm sao để các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương để phát triển thị trường bền vững. Nếu chúng ta bảo vệ vốn tự nhiên, đó mới là yếu tố cốt lõi, giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Nếu định hướng được điều cốt lõi, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng về phát triển bền vững.
Các dự án du lịch nghỉ dưỡng tập trung tại khu vực quanh hồ Hòa Bình. Số dự án được đăng ký đầu tư gia tăng rất nhanh trong thời gian 1 - 2 năm trở lại đây và đa số đều đang trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, một số ít đã hoàn thành công tác quy hoạch và trong giai đoạn thủ tục giao/cho thuê đất. Quy mô cũng rất đa dạng.
"Doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một "gánh nặng", thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy "vốn tự nhiên" là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất", ông Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Trung, nhiều chuyên gia quy hoạch, kinh tế cũng khẳng định, một trong những vấn đề phát triển bất động sản du lịch của Hòa Bình cần hướng đến là sự đồng bộ và bền vững.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, bài toán quy hoạch luôn là số 1 trong mọi vấn đề phát triển. Vì vậy, Hòa Bình cần quy hoạch ổn định, dài hạn, đảm bảo tính kết nối vùng… phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, quy hoạch phải tính đến sự phát triển của địa phương, cư dân. Nhiều dự án khó giải phóng mặt bằng vì khó giải quyết mâu thuẫn về việc người dân sẽ được gì sau những dự án được xây dựng.
"Nếu quy hoạch để phát triển văn hóa, phát triển hạ tầng thì cộng đồng dân cư sẽ ủng hộ ngay song vấn đề đặt ra là sau khi xây dựng, quy hoạch thì họ được gì? Vấn đề quan trọng hơn nữa là quy hoạch rồi thì có làm được không? Nếu trong quá trình xây dựng mà xả thải, gây phiền hà, gây mất an ninh trật tự tại địa phương đó thì sẽ không thể được người dân ủng hộ", ông Thịnh nhấn mạnh.