Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 6/1.
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt, sản lượng thanh long hàng năm của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều.
Ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, dự kiến sản lượng thanh long 2 tháng đầu năm 2022 sẽ rất lớn, với hơn 110.000 tấn.
Tuy nhiên, tình hình thu mua đang rất chậm. Nhiều doanh nghiệp vẫn trông ngóng thông tin từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ông Tấn cho biết, Sở NNPTNT vẫn đang tích cực phối hợp Sở Công Thương kết nối tiêu thụ thanh long sang các tỉnh bạn.
Tuy nhiên, từ đây đến tết, thời gian còn rất ngắn, trong khi sản lượng thanh long nhiều nên thị trường nội địa rất khó có thể tiêu thụ hết.
"Sở NNPTNT vẫn mong các Bộ cần tiếp tục đàm phán để có thể mở lại cửa khẩu", ông Tấn đề nghị.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết toàn tỉnh địa phương có khoảng 10.000ha diện tích trồng thanh long, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành với hơn 9.000ha.
Dự kiến Long An có khoảng 26.000 tấn thanh long sẽ thu hoạch đến tết.
Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng hơn 5.000 tấn.
Tuy nhiên lượng thanh long đang tồn kho hiện nay đã hơn 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa khoảng 2.000 tấn.
Ông Trịnh đề nghị Bộ NNPTNT cần có gói tài chính hoặc gói hỗ trợ lãi suất để giúp nông dân trồng thanh long sạch, phục vụ thị trường các nước.
Hiện tại, giá bán thanh long ruột trắng ở Bình Thuận và Long An đã giảm xuống còn 3.000-4.000 đồng/kg để bán ở trong nước, nhưng số lượng rất nhỏ lẻ.
Còn tại Tiền Giang, nhiều thương lái cũng không chịu mua hàng. Thương lái từ chối khéo bằng cách trả giá với nông dân còn 1.000 đồng/kg.
Các thương lái địa phương cho biết, nhiều vựa thanh long lớn (cấp 1) đều do người Trung Quốc đứng sau lưng. Họ có toàn quyền quyết định về lượng hàng và giá cả để các thương lái nhỏ (cấp 2) làm cơ sở đến các vườn thanh long thương lượng với nông dân.
Do đó, việc các vựa lớn dừng thu mua khiến cho các thương lái nhỏ bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.
Ông Lê Minh Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, tình trạng thương lái Trung Quốc đứng sau lưng các vựa cũng diễn ra tương tự ở Bình Thuận.
"Nông dân trồng thanh long rất khó quyết định giá bán sản phẩm của mình mà đều phải qua thương lái", ông Quang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Bộ NNPTNT đã rất tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn khi nông sản ùn ứ.
Tất cả các nỗ lực đã được Bộ NNPTNT thực hiện, tuy nhiên khó khăn vẫn còn rất lớn.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Sở NNPTNT các tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản ngay tại địa phương.
Thứ 2, Sở NNPTNT các địa phương cần phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, có kế hoạch triển khai cụ thể để phục vụ các thị trường xuất khẩu.
Thứ 3, Thứ trưởng Nam cho biết đã có nhiều thông tin về thương nhất Trung Quốc có mặt ở Bình Thuận rất nhiều. Các thương nhân này cũng chủ yếu thu mua rồi bán sang nước bạn Trung Quốc.
Vấn đề là chính quyền địa phương phải có giải pháp vận động thương nhân Trung Quốc đảm bảo thu mua theo ký kết.