Xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc: Cần ngừng phát triển cây thanh long, số hóa mã số vùng trồng (bài cuối)

Nguyên Vỹ - Trần Đáng Thứ ba, ngày 04/01/2022 09:40 AM (GMT+7)
Việc quản lý vùng trồng theo Luật Trồng trọt đã đi chậm hơn yêu cầu thực tế. Thế nên mới nảy sinh những lúng túng trong quản lý mã số vùng trồng; dẫn những sự bị động từ phía nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho rằng: Giải pháp Quản lý vùng trồng bằng số hóa dữ liệu sẽ chìa khóa để bán hàng ổn định, lâu dài, cả trong nước và xuất khẩu, chứ không riêng gì thị trường Trung Quốc.

Ngừng phát triển cây thanh long

Tại sao việc giải quyết sự cố 5.000 xe container ở các cửa khẩu phía Bắc lại nan giải đến vậy, thưa ông?

- Chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đang gây ra rất nhiều khó khăn cho trái cây Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc đang thực hiện 2 quan điểm phòng chống dịch khác nhau. Một bên là chung sống hòa bình với Covi-19, một bên thì "zero Covid-19". Đó là cái khó đầu tiên vì xét tổng thể; diện tích, năng suất, sản lượng trái cây trong nước không tăng mạnh.

Xét về mặt khoa học, việc Trung Quốc thông báo phát hiện lô hàng trái cây bị dương tính dịch Covid-19 cũng không thực sự thuyết phục.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mọi năm, Trung Quốc vẫn có giai đoạn nghỉ tết và tạm đóng cửa khẩu, nhưng lần này lại đến sớm hơn và dài hơn (từ 29/12/2021 đến 26/1/2022).

Nghĩa là khoảng 1 tháng rưỡi nữa, chúng ta không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi giai đoạn này trùng với mùa thu hoạch rộ trái cây, nhất là mặt hàng thanh long.

Vậy phải làm gì để thanh long và nhiều loại trái cây khác không còn ùn ứ?

- Trong chiến lược lâu dài, để tránh ùn ứ nông sản thì mở rộng thị trường xuất khẩu là chuyện đương nhiên. Riêng với cây thanh long cần chú ý lại việc phát triển. Vì chúng ta chỉ có một khách hàng lớn duy nhất là Trung Quốc.

Trái thanh long rất khó mở rộng thị trường so với những loại trái cây khác vì chỉ có Trung Quốc tiêu thụ nhiều. Mỹ hay Nhật mua 1.000-2.000 tấn cũng không thấm vào đâu so với cả triệu tấn xuất sang Trung Quốc. Trong khi xuất khẩu trái cây nhiều nhất của Việt Nam lại là mặt hàng thanh long, với hơn 1 triệu tấn.

Cục Trồng trọt dự tính tổng sản lượng thanh long của 2 tháng đầu năm 2022 là 200.000 tấn (trong tổng số 300.000 tấn cả quý I). Trong ảnh: Một cơ sở thu mua xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cục Trồng trọt dự tính tổng sản lượng thanh long của 2 tháng đầu năm 2022 là 200.000 tấn (trong tổng số 300.000 tấn cả quý I). Trong ảnh: Một cơ sở thu mua xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhưng càng xuôi về phương Nam, cây thanh long càng khắc phục được tính mùa vụ. Thậm chí không cần chong đèn trong mùa nghịch, thanh long vẫn có thể cho trái quanh năm?

- Đúng là như vậy. Điều này dễ làm người dân nảy sinh tâm lý: thanh long quá dễ trồng. Cho nên phải ngừng ngay việc phát triển diện tích thanh long. Trước đây chỉ có 3 tỉnh trồng thanh long nhưng hiện giờ, 63 tỉnh trong cả nước, hầu như tỉnh nào cũng có thanh long.

Một vấn đề nữa có thể nhàm tai nhưng vẫn cần phải nhắc lại: Sản phẩm thanh long sau thu hoạch phải hình thành được vùng công nghiệp chế biến và tiêu thụ được ít nhất 50% sản lượng thanh long tươi.

Vậy vấn đề gì có thể rút ra từ sự cố 5.000 xe container ùn ứ lần này?

- Từ rủi ro này cần đặt ngược lại vấn đề sản xuất. Các mặt hàng trái cây phải đề cao tính an toàn thực phẩm, sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia khác. Vì khi một người bán, nhiều người mua, thị trường sẽ rộng lớn hơn. 

An toàn thực phẩm phải đẩy mạnh ở cả trong nước lẫn xuất khẩu, để người sản xuất phải làm theo. Còn hiện nay, chúng ta vẫn quen với việc xuất khẩu trái cây tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thực phẩm sạch trong nước chưa được đề cao.

Việc Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn nhập khẩu khắc khe là bình thường, nước nào cũng làm như vậy. Rồi mới đây là yêu cầu về mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở xuất khẩu. Những yêu cầu này sẽ tập huấn dần cho nông dân.

Trung Quốc có nhu cầu lớn nhưng không thể trồng được thanh long chong đèn trong vụ nghịch. Thanh long chong đèn trở thành vụ đầu tư lớn của nhiều nông dân. Trong ảnh: thanh long chong đèn ở Bình Thuận. Ảnh: Bình An.

Trung Quốc có nhu cầu lớn nhưng không thể trồng được thanh long chong đèn trong vụ nghịch. Thanh long chong đèn trở thành vụ đầu tư lớn của nhiều nông dân. Trong ảnh: thanh long chong đèn ở Bình Thuận. Ảnh: Bình An.

Quản lý vùng trồng

Ông đánh giá việc quản lý MSVT ở các địa phương hiện nay thế nào?

- Việc cấp và quản lý MSVT hiện nay vẫn có những lúng túng nhất định. Nguyên nhân cốt lõi là do chúng ta đi đường tắt, bắt đầu từ việc nhỏ là làm MSVT mà không thực hiện quản lý vùng trồng.

Khi đã quản lý vùng trồng và các mã số được cấp trên bản đồ vùng quản lý đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng lựa chọn thu mua xuất khẩu, nông dân sẽ có nhiều cơ hội bán hàng.

Ông có thể giải thích rõ hơn về quản lý vùng trồng?

- Việc thực hiện MSVT và quản lý vùng trồng (hoặc quản trị vùng trồng) theo Luật Trồng trọt là 2 khái niệm khác nhau. Cấp MSVT là một phần việc trong quản lý vùng trồng.

Mục đích của việc cấp MSVT là để thuận tiện trong việc truy xuất nguồn gốc, phục vụ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nhiệm vụ cấp MSVT để xuất khẩu thì vẫn cứ triển khai. Còn việc quản lý vùng trồng phải thực hiện sớm vì một vùng trồng có nhiều loại trái cây khác nhau.

Nông dân trồng bưởi da xanh ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng bưởi da xanh ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ví dụ, ĐBSCL có hơn 370.000ha cây ăn trái thì phải quản lý được toàn bộ vùng này từ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng giống gì, thời gian thu hoạch, canh tác theo phương thức nào...

Việc quản lý này có thể thiết kế thành app cài đặt trên điện thoại thông minh. Khi doanh nghiệp chọn vào một điểm (có thể tương ứng với một ấp/xã nào đó trên toàn vùng rộng lớn), họ vẫn có thể biết được thực tế sản xuất tại địa điểm đó như thế nào.

Cụ thể là doanh nghiệp sẽ được lợi gì thưa ông?

- Khi doanh nghiệp nắm rõ thông tin ở vùng nguyên liệu, họ sẽ dễ dàng đặt vấn đề xuất khẩu trái cây. Ngành nông nghiệp địa phương có trách nhiệm nâng cấp 1 vùng nào đó theo đề nghị của doanh nghiệp, để đáp ứng các tiêu chí để cấp MSVT cho xuất khẩu.

Trong 1 vùng càng có nhiều MSVT, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội lựa chọn để thương thảo hợp đồng.

Những vùng còn lại chưa được cấp MSVT để xuất khẩu cũng phải đạt mức độ nhất định về an toàn thực phẩm để có thể tiêu thụ nội địa.

Nghĩa là, khi thông tin tại vùng nguyên liệu hiển thị minh bạch, đầy đủ thì doanh nghiệp mới rảnh rang đi phát triển thị trường. Họ sẽ biết mặt hàng nào cần bán trong nước, mặt hàng nào cho xuất khẩu.

Quản lý vùng trồng sẽ giúp khắc phục tình trạng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng ổn định vì không có vùng nguyên liệu ổn định.

Một vườn thanh long trồng mới của nông dân huyện Châu Thành, Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một vườn thanh long trồng mới của nông dân huyện Châu Thành, Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Còn nông dân được lợi gì và họ phải chuẩn bị những gì?

- Thông tin về mặt hàng nông sản sau khi tập hợp, thống kê, phân loại, sẽ hình thành một mức giá thu mua riêng với vùng đủ tiêu chuẩn cấp MSVT. Nông dân muốn bán giá cao hơn theo MSVT buộc phải đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Trách nhiệm của nông dân trong việc này là họ phải khai báo các thông tin về hiện trạng và hoạt động sản xuất.

Ai sẽ thực hiên dự án này và đến khi nào thì triển khai?

- Cục Trồng Trọt đang thực hiện thí điểm dự án này tại một xã ở tỉnh Đồng Tháp. Sau khi hoàn thiện, Cục Trồng trọt sẽ chuyển giao cho tỉnh Đồng Tháp quản lý. Mục tiêu là dự án lan tỏa ra toàn vùng cũng như cả nước.

Để nông dân bán hàng một cách ổn định, lâu dài; cả trong nước và xuất khẩu thì thì an toàn thực phẩm là mục tiêu trước hết. Nông nghiệp số hay công nghệ cao cũng chỉ là công cụ cho mục tiêu này.

"Và số hóa dữ liệu nông nghiệp quản lý vùng trồng là một giải pháp. Đến khi MSVT bao phủ, khép kín cả vùng được quản lý, thì nông sản trong khu vực đó có thể đi khắp các quốc gia, không riêng gì Trung Quốc", ông Tùng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem