Clip: Ông Phạm Viết Hạnh đang chăm sóc cây cam bù Cát Văn trong vườn nhà mình tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thực hiện: Cảnh Thắng
Khi nói đến Cát Văn thì người ta đều nhắc đến những đặc sản đặc trưng như: Cam bù, trám đen, lá đắng cay, xáo gà, nhút,…Đây đều là các đặc sản tạo ra thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Giống cam bù Cát Văn-một giống cây ăn quả có múi đã tồn tại tại vùng đất này rất lâu đời, nhưng đến nay ít nhiều bị mai một. Hiện nay có rất nhiều người dân rất tha thiết được nhân giống, bảo tồn.
Trước đây hầu như nhà nào cũng có, hiện nay đang còn khoảng 30 hộ đang còn trồng giống cam bù đặc sản ra trái khổng lồ. Trong đó hộ gia đình ông Phạm Viết Hạnh đang trồng 15 cây cam bù.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Viết Hạnh xóm 2, Cát Văn chia sẻ: "Tôi năm nay đã 66 tuổi, từ khi sinh ra đã thấy cha ông trồng loại cam bù rồi. Lúc đầu thấy cây cam bù có nhiều lợi thế, như ít công chăm sóc. Trước nay, nhà chỉ hái cam bù để thắp hương những ngày rằm, mồng 1 hàng tháng và cho con cháu ăn...".
Trước đây nhà ông Hạnh trồng trong vườn khoảng 100 cây cam bù. Nhiều cây cây cam bù thuần chủng từ xa xưa, có cây đã chết, có cây còn ra quả. Thấy quả cam bù rất ngon ngọt, có vị thơm đặc trưng riêng nên ông học cách chiết cành và nhân giống.
Trong thời gian tới ông Hạnh sẽ nhân giống cam bù đại trà để phát triển thành vườn khoảng 2000 cây. Nhưng để làm được, ông Hạnh cần có sự hỗ trợ về chuyên môn, khoa học kỹ thuật.
Theo ông Hạnh, khi quả cam bù chín có vị hương thơm nồng nàn đặc trưng, dễ phân biệt với các loại cam khác. Nếu có ai đó bóc quả cam bù từ xa, có thể phát hiện ra bởi mùi hương thơm. Quả cam bù mọng nước, vị ngọt thanh.
Cam bù Cát Văn thường chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nênbán rất được giá. Những quả cam to đều thì chỉ cần 2-3 quả là được 1 kg. Giá bán cam bù trước đây giao động từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/kg...
Hiện nay, người dân xã Cát Văn đang còn trồng cam bù manh mún, nhằm phục vụ gia đình là chính, nên sản phẩm không có nhiều. Nhiều gia đình ít bỏ công chăm bón, nên chất lượng trái cam bù chưa cao, khó trở thành hàng hóa...
Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Gia Hảo - Bí thư Đảng ủy xã Cát Văn chia sẻ: "Cam bù là giống cây ăn quả đặc sản bản địa ở xã Cát Văn. Thời gian tới mong muốn của xã là được cơ quan chức năng liên quan đánh giá, và hỗ trợ để tiến tới có kế hoạch xây dựng tổ hội nghề nghiệp hoặc hợp tác xã trồng cam bù, góp phần bảo tồn và phát triển xây dựng thương hiệu cam bù là sản phẩm OCOP cho địa phương".
Theo ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, cây cam bù Cát Văn tồn tại được như hôm nay, ngoài yếu tố giống đặc sản, thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là chất lượng thơm ngon. Đây là lợi thế để chính quyền và người dân quan tâm nhân giống, bảo tồn. Để nhân giống, bảo tồn cam bù đặc sản xứ Nghệ thì phải có cơ quan chức năng liên quan phối hợp với địa phương và người dân tìm ra cây đầu dòng...
"Bên cạnh đó, cần đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng cam, xử lí sâu bệnh, lắp hệ thống tưới…để cây bù cho trái đạt chất lượng được cao hơn", ông Thắng nói thêm.