Nghệ An: Theo chân cao thủ đi săn ong giống ngồi canh giữa nắng trưa, quên ăn, quên ngủ chờ ong "đổ bộ"
Nghệ An: Theo chân cao thủ đi săn ong giống ngồi canh giữa nắng trưa, quên ăn, quên ngủ chờ ong "đổ bộ"
Thứ tư, ngày 03/11/2021 15:03 PM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều người dân các huyện miền núi Nghệ An đang bước vào mùa săn ong mật giống. Đi săn ong, có khi phải cả ngày nhịn ăn, quên đói, chờ ong đổ bộ.
Những năm gần đây, do thời tiết biến động, mưa rét thất thường, ong mật ra bìa rừng sớm, nên thời gian săn ong cũng đến sớm hơn, người đi săn ong cũng đông hơn. Ảnh: Huy Thư
Kinh nghiệm của người săn ong cho thấy, những ngày nắng ấm xuất hiện giữa những đợt không khí lạnh kéo dài, hay những ngày “động trời” từ nắng ấm chuẩn bị gió mùa là thời điểm săn ong tốt nhất. Mỗi người đi săn ong thường chở theo từ 2 đến 5 ống mồi. Ảnh: Huy Thư
Những ngày qua, ở các xã biên giới thuộc huyện Thanh Chương, người đi săn ong kéo về từ các huyện trong và ngoài tỉnh như Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, TP Vinh và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)... Trong số họ, có người đi săn ong “ngẫu hứng” để về nuôi, có người đi săn ong chuyên nghiệp để về bán. Ảnh: Huy Thư
Những nơi có ong thăm, người đi săn ong mang ống mồi đến treo đầy bờ rào, chuồng trâu bò, vách núi... Ảnh: Huy Thư
Đi săn ong “hội đồng” đông người khá vui, nhưng xác suất được ong thấp, do đó người đi “săn lủi” – đi lẻ, đi sâu, thường có cơ hội trúng ong. Trong ảnh: Người đi săn ong lẻ treo ống mồi trên cây cổ cao giữa đồi chè. Ảnh: Huy Thư
Giai đoạn bắt ong thăm - con ong làm nhiệm vụ trinh sát diễn ra sôi động nhất. Nghe ai đó bắt được ong thăm, dân đi săn ong gọi điện cho nhau mang ống, mang vợt đến để bắt ong thăm. Ảnh: Huy Thư
Ai cũng cố gắng bắt được 1 con ong thăm để bỏ vào ống của mình, hy vọng con ong này sẽ gọi quân đến thăm ống và đổ bộ. Việc bắt ong thăm đây đó đã xảy ra cảnh tranh chấp cãi vã lẫn nhau. Ảnh: Huy Thư
Quá trình thăm ống của ong khá “phức tạp”, nó đến ‘xem xét” nhiều lần, mỗi lần mang một số “quân” nhất định. Tùy vào điều kiện thời tiết và số ống mồi mà thời gian thăm ống sẽ dài hay ngắn, có khi chỉ mấy chục phút, có khi kéo dài 3 – 4 ngày, thậm chí hàng tuần. Trong ảnh: Một người đi săn ong không kịp dỡ ống mồi xuống, cho ong thăm ống ngay trên đường. Ảnh: Huy Thư
Nhìn chung càng nhiều ống mồi thì thời gian thăm ống càng lâu. Ong chưa “đổ bộ” thì người săn chưa về, tất cả đều hy vọng. Họ kiên trì, chịu khó, ngồi canh giữa nắng trưa, quên ăn, quên ngủ chờ ong "đổ bộ". Ảnh: Huy Thư
Sau quá trình thăm ống, trong hàng chục, hàng trăm ống mồi, ong chỉ chọn 1 ống. Từ trên cao, ong kéo về như mưa và “đổ bộ” vào chiếc ống đã định. Ong chọn ống nào thì người đó được. Năm nay, mưa bão kéo dài, việc săn ong gặp nhiều khó khăn, nên giá cả ong giống cũng nhỉnh hơn chút xíu, mỗi bát ong có giá khoảng 100 -120 nghìn đồng. Mỗi đàn ong giống đong được khoảng 2 - 6 bát. Người gặp hên cả vụ ong săn được khoảng 50 - 70 đàn ong thu về vài chục triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống. Video: Huy Thư.
Huy Thư (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.