Ngày 7/1, theo nguồn tin của Dân Việt, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 5 (Quân khu 5) đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Ba bị can bị bắt tạm giam là T.V.M, N.Đ.T; T.Đ.L. thuộc Trung đội Thông tin (Tiểu đoàn Bộ binh 50, Trung đoàn Bộ binh 991).
Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can nói trên nên đã khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo điểm a, khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Trước đó, ngày 5/1 Cơ quan điều tra hình sự khu vực 5 (Quân khu 5) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" liên quan đến vụ chiến sĩ N.V.T. thuộc Tiểu đoàn BB50, Trung đoàn BB991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tử vong.
Trước đó, vào ngày 1/12.2021, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho rằng, "nguyên nhân tử vong của quân nhân N.V.T không có gì khuất tất, phải che dấu, những thông tin trên mạng đang lan truyền sai lệch, méo mó".
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cho rằng, nhận định ban đầu của cơ quan pháp luật, nguyên nhân anh N.V.T tử vong là do tự té ngã sau khi tắm, xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ án nêu trên việc chiến sĩ tử vong đã được cơ quan giám định pháp y thực hiện hoạt động nghiệp vụ và xác định nguyên nhân tử vong.
Từ cơ sở các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân, kết quả giám định pháp y đối với tử thi, và quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố một số bị can về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo luật sư Hòe, đây là vụ việc xảy ra trong môi trường quân đội nên theo quy định pháp luật, thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử sẽ thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội. Đó là Cơ quan điều tra trực thuộc bộ quốc phòng, Viện kiểm sát quân sự khu vực và Tòa án quân sự theo thẩm quyền luật định.
Với tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, nếu bị xác định có tội, các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 14 năm theo quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Cũng bình luận về vụ việc này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi đánh người của các bị can được thực hiện như thế nào, nhận thức của các bị can về hành vi của mình ra sao.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các bị can thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân tử vong sẽ giữ nguyên quyết định khởi tố để đề nghị truy tố, xét xử về tội Cố ý gây thương tích.
Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy các bị can đã có hành vi xâm phạm đến thân thể của nạn nhân (có sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc có đánh vào những vùng hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân); bị can nhận thức được rằng hành vi của mình có thể khiến nạn nhân thiệt mạng nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra (thực tế nạn nhân đã tử vong) có thể sẽ chuyển tội danh sang tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Cường cho rằng, một vấn đề cũng đáng quan tâm trong vụ án này là trả lời của đơn vị quản lý chiến sĩ cho rằng đây là một vụ tai nạn chứ không có dấu hiệu tội phạm.
Cơ quan điều tra và cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc trả lời này trên cơ sở các căn cứ, chứng cứ nào, sẽ làm rõ trách nhiệm của cán bộ chỉ huy, người ký các văn bản trả lời này. Làm rõ có hành vi bao che, không tố giác tội phạm hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi bao che, dung túng cho tội phạm, không tố giác tội phạm sẽ xử lý kỷ luật, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm.
Bạn đọc đang đọc bài: "Khởi tố 4 bị can tại Tịnh thất Bồng Lai, vì sao ông Lê Tùng Vân được tại ngoai?" đăng tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Mọi thông tin xin liên hệ đường dây nóng 0857.835.666.