Đi theo tuyến đường cao tốc Bắc-Nam của Malaysia, cách Kuala Lumpur hai giờ về phía Bắc, Papan không chỉ là một dải những ngôi nhà đổ nát và những con hẻm sâu hun hút. Có thể trong sách hướng dẫn du lịch không chú thích, nhưng những người biết về nơi này đều coi đây là một thị trấn ma.
Philippe Durant, một nhiếp ảnh gia người Bỉ sống ở Ipoh gần đó, ông đã dành nhiều năm cuộc đời để chụp ảnh và truyền bá thông tin về địa điểm độc đáo này cho biết: "Gọi Papan là một thị trấn ma là không chính xác. Nó không phải là một thị trấn ma bởi vì vẫn có người sống ở đây".
Papan (có nghĩa là "tấm ván" trong tiếng Bahasa Malaysia) được thành lập như một tiền đồn gỗ vào đầu thế kỷ 19 bởi những người Mandailing từ Indonesia. Những mỏ thiếc lớn được phát hiện vào những năm 1850, do vậy, công nhân nhập cư Trung Quốc bắt đầu đổ xô đến bang Perak. Sự phát triển của các mỏ ở Papan bắt đầu vào năm 1877 và thị trấn trở thành trung tâm hành chính cho các hoạt động khai thác thiếc ở Thung lũng Kinta.
Vào đầu thế kỷ này, Papan có 146 ngôi nhà. Những bức ảnh đen trắng từ năm 1910 cho thấy đây từng là một thị trấn nhộn nhịp, những chiếc xe ngựa len lỏi qua đám đông và xung quanh có nhiều quán xá. Có 13 mỏ đang hoạt động trong khu vực và hơn 2.400 người sống ở Papan. Nhưng sự sụp đổ của hoạt động khai thác sau khi giá thiếc giảm vào năm 1985 đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt.
Ba mươi mốt người vẫn sống dọc theo con phố chính, trong 10 ngôi nhà cổ, và khoảng 200 người sống ở Old Papan: những ngôi nhà gỗ nằm dọc các con hẻm song song. Hầu hết cư dân là con cháu lớn tuổi của những người khai thác thiếc.
Theo Durant, người gần đây đã xuất bản cuốn sách ảnh Papan Moods, nhiều người ở đây bị khuyết tật về tinh thần hoặc thể chất và không có thu nhập. Họ trả tiền thuê nhà rẻ nhất ở bang Perak, dưới 100 ringgit (24 USD) mỗi tháng.
Ông nói: "Những ngôi nhà từ thời kỳ khai thác thiếc thuộc về nhiều chủ sở hữu. Các công ty khai thác trước đây, hậu duệ của những người cai trị Mandailing, hậu duệ của người di cư Trung Quốc, người dân địa phương, các nhà đầu tư…
Hầu hết mọi người giữ nhà cho riêng mình. Khi tôi kể lại trải nghiệm của người dân và chụp ảnh chân dung của cư dân con phố chính vài tuần trước, một số đã nói từ chối".
Phần lớn các ngôi nhà cổ có màu sắc nhẹ nhàng, nếu không có người ở thì du khách đều được mở khóa và tự do khám phá. Mặc dù nguy hiểm có thể rình rập như nguy cơ sàn hoặc trần bị mối mọt có thể sập xuống. Tuy nhiên, hai công trình kiến trúc có giá trị lịch sử nhất chỉ có thể được chiêm ngưỡng từ bên ngoài.
Ngọn đồi bên phải của con phố chính là Rumah Besar Raja Bilah, cung điện của người sáng lập Papan và cựu cai trị Raja Bilah. Ở đây cũng có nhà thờ Hồi giáo của khu vực. Từ khu vườn cây cối um tùm, người ta có thể vén tấm rèm treo trên cửa sổ phòng khách và nhìn vào bên trong. Một chiếc bàn cũ được bao quanh bởi những chiếc ghế nhựa ở giữa nơi từng là sảnh lớn của cung điện, được xây dựng vào năm 1896.
Tương tự, bạn cũng có thể nhìn vào ngôi nhà số 74, nằm ở phía bên trái của đường chính khi đi vào Papan. Đây là ngôi nhà và nơi phẫu thuật của Sybil Kathigasu, một y tá điều trị cho những người kháng chiến trong Thế chiến thứ hai và bị quân xâm lược Nhật Bản tra tấn.
Hai tờ báo mờ nhạt về Kathigasu được dán trên mặt tiền của ngôi nhà, khiến du khách tự hỏi liệu lòng dũng cảm như vậy có thể xứng đáng với ít nhất một tấm bảng bằng đồng hay không.
Bên trong ngôi trường cũ của Papan, người ta có thể cảm nhận được những đứa trẻ của nhiều năm trước khi chúng chạy ra khỏi lớp. Bàn nằm rải rác, một chiếc ti vi cũ đặt trên nóc tủ và các bức vẽ của trẻ em trang trí các bức tường đá.
Xa hơn từ số 74, ở phía bên kia của đường chính, là tiệm hớt tóc cũ. Chiếc ghế của thợ cắt tóc vẫn còn nguyên, nhưng nếu xét hiện trạng của tiệm, người ta có thể tưởng tượng rằng không có một sợi tóc nào được cắt ở đây trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự thật là cửa hàng chỉ đóng cửa cách đây 4 năm về trước.
Từ cuối năm 1991, các Viện Bảo tàng và Ban Tôn giáo Nhà nước đã tuyên bố chủ quyền đối với Rumah Besar Raja Bilah, nhà thờ Hồi giáo và nghĩa trang của nó. Vào năm 1992, Bộ Bảo tàng đã chỉ ra rằng họ có kế hoạch khôi phục các di tích lịch sử của Papan. Nhưng gần 3 thập kỷ sau, hầu như không có cuộc trùng tu nào được diễn ra.
"Cũng có một đề xuất được đưa ra bởi Hiệp hội Di sản Perak để biến ngôi nhà của Sybil Kathigasu thành một viện bảo tàng nhưng chưa thấy có động thái nào cụ thể", Durant nói.
Ipoh là địa điểm du lịch nổi tiếng cách 17 km về phía đông bắc và có nền tảng lịch sử tương tự Papan. Việc cải tạo lớn các ngôi nhà cổ của Ipoh bắt đầu sau vụ sập hai cửa hàng ở Panglima Lane vào năm 2011. Hội đồng thành phố Ipoh phải ra tối hậu thư "sửa chữa hoặc phá dỡ" cho chủ sở hữu của các tòa nhà cổ đã trở thành mối nguy hiểm công cộng.
Trưởng làng của Papan, Leong Wai Fan, nói rằng một số dân làng phản đối bất kỳ sự khai thác du lịch nào đối với thị trấn của họ. Leong ủng hộ việc quảng bá hình ảnh nơi mình ở ra thế giới bên ngoài. "Hầu hết dân làng muốn được ở một mình và họ không muốn Papan trở thành một điểm thu hút khách du lịch.
Tôi tin rằng giải pháp cho Papan nằm ở việc kêu gọi dân làng tham gia vào dự án thu hút khách du lịch. Đôi bên cùng có lợi khi dân làng sẽ làm và bán đồ thủ công cho khách du lịch.
Việc khôi phục các tòa nhà ở Papan là điều cơ bản để cứu thị trấn của chúng tôi, dân làng cũng có thể sử dụng những khu vực bỏ hoang bên cạnh đó để trồng rau hữu cơ", cô nói.
Sự khác biệt về quan điểm đã gây ra rạn nứt, khi nghệ sĩ Chang cố gắng thu hút khách du lịch bằng cách trưng bày các đồ tạo tác và công cụ trong một số ngôi nhà bỏ hoang, để mô phỏng cuộc sống trong thời kỳ khai thác thiếc, ông đã bị những người dân làng đe dọa và buộc phải dỡ bỏ tất cả. .
Tuy nhiên, ông đã thành công trong việc trang trí Phố Trung tâm của Old Papan bằng nghệ thuật vẽ tranh đường phố. Ông Chang cũng thành lập một bảo tàng ngoài trời nhỏ trong khu vườn của mình, hy vọng khách du lịch sẽ ghé thăm.
Durant tin rằng, mặc dù rất tiếc khi phải chứng kiến sự xuống cấp nhanh chóng của các tòa nhà, nhưng tính chân thực của chúng, cùng với bầu không khí thoải mái, cũ kỹ chính là điều khiến Papan trở nên quyến rũ.
Nhưng những ngôi nhà, những nhân chứng cho thời kỳ khai thác thiếc của Malaysia, có thể tồn tại được bao lâu nếu không có sự đầu tư của chính phủ hoặc tư nhân?