Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc BLĐTBXH nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm Hội đồng quản lý và Cơ quan điều hành Quỹ.
Quyết định quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng góp Quỹ mức 150.000 đồng/người/hợp đồng. Doanh nghiệp được hạch toán khoản đóng góp này vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp. Về phía người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp quỹ ở mức 100.000 đồng/người/hợp đồng.
Theo đó, hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp khi người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài.
Hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp khi người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ ở mức từ 7-20 triệu đồng/trường hợp. Hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp khi thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định này có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khoá học.
Cùng với những thay đổi trong về mặt chính sách để hỗ trợ công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua Trung Tâm lao động Ngoài nước; Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cũng đã tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, trong năm 2021, đã hoàn tất hồ sơ và tổ chức xuất cảnh cho 959 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Đưa 85 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật theo chương trình IM Japan, đưa 70 điều dưỡng viên ngành chăm sóc người già chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2021 là 766 lao động, bằng 17,16% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 10 năm 2020, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 4.463 lao động). Lao động sang làm việc chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản là 142 lao động; Hàn Quốc là 46 lao động nam; Đài Loan (Trung Quốc) là 38 lao động nam; Hungary là 35 lao động…
Theo Bộ LĐTBXH, hiện có khoảng 580.000 người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác như Trung Đông - châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu.