Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây chính là thông tin được đưa ra trong báo cáo của nhóm nghiên cứu được ông Giang Thanh Long - Chuyên gia của Oxfam trình bày tại Hội thảo "Bảo hiểm xã hội tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức" vừa diễn ra.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong những năm qua có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên độ bao phủ còn hạn chế, có sự phân hóa giữa các vùng miền, nhóm độ tuổi lao động, giới tính,...
Cụ thể, tỷ lệ lao động phi chính thức trên 78% lực lượng lao động cả nước, độ bao phủ chỉ đạt 1,86% lực lượng lao động vào năm 2020.
Có rất nhiều yếu tố quyết định và ảnh hưởng tới độ bao phủ BHXH tự nguyện. Từ các đặc điểm của người lao động đến mức độ tiếp cận thông tin, hiểu biết về BHXH tự nguyện và các chính sách, quyền lợi bảo hiểm...
Theo đó, kết quả của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng lao động phi chính thức dưới 25 và trên 35 tuổi có xu hướng ít tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ tham gia giữa nam và nữ cũng có sự khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ tham gia của nam luôn luôn thấp hơn nữ trong độ tuổi từ 15-29. Ông Giang Thanh Long cho biết thêm, trên thực tế phụ nữ có nhiều lo lắng hơn so với nam giới kể cả BHYT và BHTN.
Tỷ lệ tham gia ở thành thị cao hơn gấp khoảng hai lần so với ở nông thôn ở mọi nhóm tuổi. Yếu tố quan trọng nhất là thu nhập. Dù lao động phi chính thức, nhưng thu nhập ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
Đáng chú ý, nhóm lao động có trình độ học vấn thấp, dễ tổn thương trong các quan hệ lao động lại đang có tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp. Vì vậy trong bối cảnh dịch Covid-19, nhóm lao động này sẽ trở thành đối tượng yếu thế và khó có cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh.
Tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện còn được quyết định bởi việc các gia đình có nhiều con hay ít con. Người lao động có nhiều con trong hộ đang trong độ tuổi đi học có xu hướng ít tham gia BHXH tự nguyện. Thực tế này có cả ở thành thị và nông thôn. "Việc đầu tiên lao động quan tâm chính là việc đầu tư cho con cái học hành, sau đó mới đầu tư cho tương lai. Điều này là rào cản trong các gia đình đông con, khiến họ không thể tham gia BHXH", ông Giang Thanh Long nhận định.
Ngoài việc không đảm bảo đủ nguồn thu nhập để tham gia bảo hiểm, người lao động còn băn khoăn nhiều về các chế độ phúc lợi khác. Theo đó, thời gian tham gia dài (20 đến 25 năm) trong khi chế độ hưu trí và tử tuất được hưởng với nhiều người cũng "không hấp dẫn". Ngoài ra, các chế độ cơ bản khác như thai sản, ốm đau bệnh tật, và tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp cũng không được BHXH tự nguyện hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thu Giang - Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT) nhấn mạnh: "Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là: Diện bao phủ, tính đầy đủ và tính bền vững. BHXH là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Cho nên, với tỷ lệ bao phủ của BHXH còn thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện còn ít trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu việc làm.
Do đó, cần điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do. Việc thực thi chính sách cần tạo điều kiện và hiệu quả hơn. Truyền thông cần dễ hiểu và đúng đối tượng hơn. Cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các nhóm đối tượng hưởng lợi vào quá trình xây dựng và thực thi, giám sát đánh giá".
Theo đó, đại diện nhóm nghiên cứu - ông Giang Thanh Long đề xuất để bảo đảm độ bao phủ BHXH cần có thiết kế linh hoạt. "Điều quan trọng nhất liên quan tới thu nhập. Đặc biệt lao động di cư, di cư liên tỉnh, cần có cơ chế thúc đẩy họ tham gia BHXH.
Thực tế thời gian qua đã có nhiều lao động rút tiền BHXH 1 lần. Hầu hết họ rút cho chi tiêu trước mắt như sửa nhà, chữa bệnh... Tuy nhiên, số tiền này cũng không đủ để đầu tư chứng khoán", ông Giang cho biết thêm.
Một khuyến nghị được đưa ra với hộ nghèo, hộ cận nghèo là cần xóa bỏ mức đóng tối thiểu. Nhóm này đã có hỗ trợ nhà nước, căn cứ vào phần thu nhập khả dụng, sau khi đóng phần được hỗ trợ rồi thì họ không đảm bảo mức sống trên chuẩn nghèo. Như vậy, vô hình chung khi họ tham gia BHXH thì làm "nghèo hóa" hơn, do đó cần đảm bảo để thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi đóng phải cao hơn chuẩn nghèo).
Ông Giang cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng đó là lao động tự do hiện nay chưa được chính thức hóa, cần có chính sách để dần chính thức công việc cho họ.
Theo ông Trần Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) để chính thức hóa quan hệ lao động ở khu vực phi chính thức, giúp lao động tiếp cận chính sách toàn diện, cần có nhiều giải pháp. Vấn đề này cũng chính là làm thế nào để chuyển lao động từ tự do sang lao động chính thức. Nếu làm được thì nhóm này có thể được tiếp cận BHXH bắt buộc.
Ông Nam khẳng định: "Mục tiêu hướng tới của hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là bao phủ an sinh xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững".
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐTBXH sẽ xem xét bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật BHXH nhằm đưa luật vào cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.