Thời tiết Hà Nội đột ngột trở lạnh, gió rét buốt rít lên từng hồi trên các con phố, nơi có hàng nghìn lao động tự do đang tất bật mưu sinh trong những ngày cận Tết dương lịch.
Hai tay đút túi quần, đứng co ro dưới chân cột đèn đường, ông Lê Văn Vương (51 tuổi, Hà Tây) chờ “dài cổ” những chuyến gọi xe. Đã 4 giờ chiều, nhưng ông mới chỉ có 2 cuốc xe, tổng cộng kiếm được 50.000 đồng (chưa trừ chi phí xăng xe).
“Tôi đã bám trụ với nghề xe ôm này hơn 20 năm rồi, nhưng cảnh vắng vẻ khách dịp cận tết thế này thì chưa thấy bao giờ”. Vượt qua gần 20km từ Hà Tây lên Hà Nội để chạy xe ôm, ông kể nghề này đã giúp ông sống và nuôi 4 người con ăn học suốt bao năm.
Khi phóng viên hỏi vì sao không chạy xe công nghệ, ông cười xua tay lắc đầu lia lịa. “Chạy xe ôm như thế bị trừ chiết khấu hết, còn lại chả bao nhiêu đâu”, ông thở dài. Bất kể ngày nắng hay mưa, hôm nào cũng từ 7 giờ, ông Vương lại bắt đầu hành trình chạy xe, sáng đi chiều tối về.
“Bây giờ có việc là may lắm rồi. Trước dịch có ngày kiếm được 300.000-400.000 đồng, còn bây giờ ngày 100.000 thôi cũng vui mừng lắm”. Ông Vương vừa cảm thán, vừa co người vào trong áo vì lạnh.
Đang nói chuyện, ông nhận được cuộc gọi, có khách thuê chở đồ nên ông lại vội vàng lên đường. Ông chia sẻ: “Bây giờ thêm chở đồ chuyến này nữa thì ngày hôm nay không lo đói rồi!”.
Ông Vương vừa khuất bóng, xa xa chúng tôi thấy cô Nguyễn Thị Loan (52 tuổi, Nam ĐỊnh) đang đẩy chiếc xe đi thu dọn rác. Dáng người nhỏ nhắn hòa mình vào phố đông. Trong khi Hà Nội đang lạnh run thì người phụ nữ này mặc manh áo mỏng, vì cô nói "làm nhiều người nóng toát mồ hôi". Thấy phóng viên hỏi chuyện, cô nhiệt tình trả lời, nhưng tay chân vẫn bận luôn hồi.
Cũng là kiếp người mưu sinh giữa phố thị, cô Loan (38 tuổi) đã rời quê Nam Định lên Hà Nội làm thuê mấy năm nay. “Ai thuê gì làm đấy, còn ngày thường cô nhặt rác, ve chai,... để kiếm thêm đồng ra đồng vào”, cô Loan tâm sự.
“Dịch dã khó khăn chung các cháu ạ. Đi làm thế này cô cũng sợ lắm chứ, nhưng sợ thì vẫn phải sống, phải đóng tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn học cho các con,...” Cô Loan tâm sự, đợt dịch vừa rồi khó khăn, giãn cách phải ở phòng trọ suốt mấy tháng không có việc, chút tiền dành dụm cũng tiêu hết sạch.
Khi nhắc đến sắm sửa cho ngày tết, cô dừng làm một lúc, rồi thở dài: “Bây giờ ăn chưa đủ, lo gì tết cô ơi! Mình là lao động tự do, không có lương cố định như công nhân. Cô chỉ mong sao ngày ăn đủ 3 bữa, có tiền đóng tiền học cho con, chứ năm nay tết vẫn còn xa lắm”, nói rồi cô lại tất bật với công việc.
“Tết năm nay bánh chưng không có thịt”
Đi lấy hàng từ 5 giờ sáng, anh Vũ Văn Khuê (39 tuổi, Hưng Yên) chở cam từ chợ đầu mối đi bán lẻ ở các vỉa hè. Những ngày giáp tết, anh tranh thủ bán hàng lâu hơn, lại nghe ngóng thêm có việc gì làm để tích góp thêm tiền trang trải. “Dịch dã thế này 'bữa đực bữa cái', cứ chiều tối xe nhẹ gánh mới ấm bụng được”, anh kể.
Anh Khuê chia sẻ, vợ anh chăm 3 con nhỏ ở quê, một mình anh đi làm xa nhà để kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh bùng phát khiến anh bó gối trong nhà suốt mấy tháng liền. Nỗi lo kinh tế lại đè nặng lên vai anh Khuê khi Tết đang cận kề. Bởi vậy, anh chỉ mong bán được nhiều hàng chứ không dám nghỉ ngơi. Với anh, "những lao động tự do như mình phải thật chăm chỉ, dịch bệnh thế này biết ngày mai thế nào được!".
Thời điểm giáp tết vào các năm trước là cơ hội kiếm tiền của các lao động tự do. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh kéo dài, mọi hoạt động dường như cũng được tiết kiệm đi nhiều. Những ngày này, đường phố Hà Nội bớt nhộn nhịp hơn nhiều. Người ta chỉ thấy phía dưới chân cầu, hay gần các nhà ga,... cảnh người lao động tự do ngồi chờ việc xếp dài.
Anh Nguyễn Văn Đông - 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa, vừa lên Hà Nội xin làm thợ được 1 tháng thì bùng dịch. Nghỉ công trình, anh chuyển sang làm nghề bốc vác để chờ ngày về quê, kiếm chút tiền “làm tấm áo mới cho con gái út”. Anh tâm sự: “Con gái nhỏ năm nay lên lớp 5, ngày nào nó cũng hỏi quà bố. Chỉ mong sao có ít việc để góp tiền mua quà cho con gái, chứ tết năm nay sợ là bánh chưng không có thịt. Đến đâu hay đến đó thôi, chứ giờ dịch biết làm sao được!”.
Một người đàn ông gần đó, vừa rít xong điếu thuốc lào, nhìn hướng phóng viên kể: “Nghề 'thợ đụng' này trước cũng làm ăn khấm khá lắm đấy. Nhưng năm nay dịch, ít người thuê nên mới ngồi dài thế này đây. Ngày xưa ngày kiếm được 500.000 - 700.000 đồng một ngày là thường, bây giờ chỉ mong có người gọi đi làm, đủ tiền ngày ăn hai bữa là quý lắm rồi”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, những kiếp người mưu sinh tự do vốn đã bấp bênh, nay lại càng lao đao. Tết Nguyên đán đang đến gần chỉ thêm gánh nặng nỗi lo toan nhọc nhằn của các lao động tự do.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.