Tham luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 8/1, ông Tăng Chí Thượng cho biết, trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, ngành y tế phải linh hoạt trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống y tế nhằm đáp ứng song hành 2 nhiệm vụ không thể tách rời là phòng chống dịch và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cùng chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 29/12/2021, Việt Nam ghi nhận 1.689.194 ca nhiễm, trong đó TP.HCM có 501.990 người. Ông Thượng cho rằng các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến khó lường.
Trước tình hình đó, TP.HCM cũng không ngoại lệ dù số ca mắc, số chuyển nặng và tử vong giảm sâu. Theo đó, ngày 7/1, TP ghi nhận 18 ca tử vong, trong đó có 7 ca từ tỉnh chuyển lên. Đây là mức tử vong thấp nhất kể từ đợt cao điểm đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác thu dung, điều trị và quản lý ca nhiễm trên địa bàn, thành phố vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Đáng lo ngại là nhiều vấn đề sức khỏe của người dân hậu mắc Covid-19 trong thời gian qua đã được ghi nhận, nhiều người đến khám các chuyên khoa sau mắc Covid-19 tại các bệnh viện. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận tại các bệnh viện rất đa dạng bao gồm cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19.
Ông Thượng cho biết ngành y tế đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc Covid-19 trên địa bàn. Về điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thể chất, ngành y tế tăng cường sự phối hợp giữa Đông y và Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chủ động phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các hội chứng hậu Covid-19, phân biệt với các bệnh lý khác; tổ chức lại các hoạt động điều trị, chăm sóc các bệnh nền, các bệnh lý không phải do Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp nhiều chuyên ngành bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, tâm thần, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và y học cổ truyền. Ngành y tế đặt mục tiêu tất cả người bệnh sau khi hoàn thành điều trị, cách ly có thể tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe sớm tại bất cứ cơ sở y tế phù hợp với điều kiện.
Về điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân sau khi mắc Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần ở y tế các cấp; tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần, tâm thể trị liệu do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần phụ trách.
TP.HCM cũng đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron. Theo đó sẽ triển khai các hoạt động kiểm soát người nhập cảnh, xét nghiệm nhanh khi vừa nhập cảnh, nếu dương tính sẽ cách ly tại bệnh viện dã chiến số 12 và lấy mẫu PCR giải trình tự gene. Đồng thời, có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tại địa phương.
Thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, TP.HCM đã ban hành chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn gồm 6 nhóm cụ thể: Bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; chăm sóc và quản lý F0 tại nhà; thu dung điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.