Cụ thể, theo thông tin từ freshplazacom, giá thanh long tại Trung Quốc lên đến 10-12 nhân dân tệ/kg, tương đương 35.642- 42.770 đồng/kg, cao hơn 2 nhân dân tệ/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam, thời điểm quý I hàng năm, Trung Quốc thường tăng tốc mua thanh long từ Việt Nam để phục vụ Tết Nguyên đán.
Đơn cử như quý I/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt 301,8 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2021, giá trị xuất khẩu thanh long đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của trái thanh long.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An) nhận xét, Việt Nam có lợi thế rất lớn nhờ gần thị trường lớn 1,4 tỉ dân và có khả năng chi trả cao.
"Chúng ta xuất khẩu thanh long sang 50 nước không bằng lượng xuất qua Trung Quốc, có thị trường xuất khẩu cả năm không bằng bán cho Trung Quốc trong 2 ngày" - ông Huy nói.
Có một vấn đề đáng lưu ý là hiện nay Trung Quốc cũng đang mở rộng diện tích trồng thanh long. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến năm 2020, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tăng hơn 10 lần trong vài năm gần đây.
Điều này cũng có thể khiến thanh long Việt Nam chịu tranh tranh gay gắt hơn ở thị trường này.
Trước việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó khăn, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương và bộ ngành liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng cũng như chú trọng, giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid - 19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu mà đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.
Chỉ đạo doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh thông tin tới thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.
Hướng dẫn nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.