Có hay không việc đầu cơ xe container gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long?
Có hay không việc đầu cơ container gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc?
Nguyên Vỹ
Thứ sáu, ngày 07/01/2022 10:00 AM (GMT+7)
Vấn đề thiếu container, nhất là container lạnh khiến việc xuất khẩu thanh long gặp khó là vấn đề nóng tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 6/1.
Xuất khẩu thanh long gặp khó do lỗi của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Khắc Huy – Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit ở tỉnh Long An cho biết, công ty đang trồng thanh long sạch để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và Trung Quốc.
Theo ông Huy, phía Trung Quốc đã khuyến cáo việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường nước này từ 1 năm nay. Thế nhưng các doanh nghiệp thường bỏ qua khuyến cáo này.
Ông Huy cho rằng, việc xuất khẩu thanh long hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn ở cửa khẩu phía Bắc bằng đường bộ một phần do lỗi của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển vẫn thuận lợi hơn.
Dịch Covid-19 khiến Trung Quốc thắt chặt các biện pháp nhập khẩu chứ họ không hề muốn cấm nhập khẩu thanh long. Và phía Trung Quốc cũng khuyến khích nhập khẩu bằng đường biển, đồng thời hàng hóa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.
"Không nên đổ thừa hết khó khăn cho Trung Quốc hoặc đổ trách nhiệm lên Bộ NNPTNT. Cần phải nhận thức rõ lại vấn đề này", ông Huy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huy, hiện tại phía Trung Quốc chỉ mới tăng cường vấn đề an toàn dịch Covid-19 trên các lô hàng thanh long.
Tới đây, khi Trung Quốc làm gắt vấn đề dư lượng thì nông sản sẽ còn gặp khó khăn nhiều nữa. Nguyên nhân là vấn đề dư lượng trong canh tác thanh long hiện nay vẫn còn nhiều.
Ông Huy đánh giá, Trung Quốc vẫn là thị trường khổng lồ, lại nằm kế bên Việt Nam.
"Đáp ứng yêu cầu của khách hàng để bán được hàng là chuyện đương nhiên phải thực hiện chứ không phải cứ 'đụng chuyên thì kêu cứu'", ông Huy nói.
Xuất khẩu thanh long thiếu container nghiêm trọng
Cũng theo ông Huy, vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải là tình trạng thiếu container nghiêm trọng, nhất là xe container lạnh.
Ông Huy đặt vấn đề đang có tình trạng đầu cơ container. Vì nhiều doanh nghiệp đã đặt xe container từ sớm nhưng đến khi khách hàng cần lại không giao vỏ container.
Thậm chí có trường hợp phải tốn "chi phí bôi trơn" mới được nhận vỏ container. "Điều này sẽ rất nguy hại cho xuất khẩu trái cây", ông Huy nói.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cũng cho biết, việc xuất khẩu thanh long đang gặp khó, một phần do thiếu container.
Tình trạng thiếu container đã khiến cước phí tăng lên rất cao. Trước đây, giá thuê container đi đường biển từ 40-60 triệu. Đến nay đã tăng lên gấp 3 lần, từ 150-190 triệu đồng.
Để gỡ khó vấn đề này, ông Trần Đình Long, đại diện Công ty CP đầu tư thương mại MEGA A - đơn vị tham gia vào lĩnh vực logistics và cảng biển cho biết: Cần phải làm việc với hãng tàu thay vì làm việc với cảng biển.
Theo ông Long, giá cước tăng là do nhiều yếu tố, không phải do đầu cơ. Vấn đề chính là các hàng tàu rất quan tâm đến lộ trình làm việc cụ thể của doanh nghiệp.
Ví dụ, trong khoảng 1 tháng, doanh nghiệp đó muốn đi bao nhiêu container, đi thị trường nào...
"Nghĩa là hãng tàu sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có hợp đồng ổn định và có cam kết", ông Long nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, do bị ùn ứ nông sản ở biên giới, một số doanh nghiệp đã chuyển sang đi đường biển.
Theo ông Nguyên, thực tế là container lạnh cho đường biển đang rất thiếu. Cước phí tăng cao hiện nay không phải do cảng biển hay do hãng tàu container vì giá container vốn đã được định trước.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp phải sang lại "booking" - phần mà các doanh nghiệp đặt trước nhưng chưa có nhu cầu - đã khiến giá tăng lên từ 2-4 lần.
Ông Nguyên cũng đồng ý quan điểm, ngành nông nghiệp cần làm việc lại với các hãng tàu hoặc với các Hiệp hội logistics để tháo gỡ khó khăn về container.
Theo ông Nguyên, người dân có nhu cầu mua thanh long rất lớn phục vụ nhu cầu cúng kiếng ngày Tết. Ông Nguyên kiến nghị các tỉnh thành cần sớm mở chợ Tết. Đây cũng là một cách để giúp nông dân tiêu thụ thanh long.
Những năm gần đây liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ thanh long do gặp khó ở thị trường Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc cũng đang tăng rất nhanh diện tích trồng thanh long.
Năm 2018, Trung Quốc chỉ có 10.000ha; đến nay đã tăng lên hơn 55.000ha. Quy mô tăng mỗi năm từ 10-15%. Chỉ chừng 5 năm nữa, Trung Quốc đủ sức tự đáp ứng nhu cầu thanh long trong nước.
"Đây là thách thức rất lớn với thanh long trong nước. Về lâu dài nên có hướng chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc tăng cường cho chế biến trái cây ở trong nước", ông Nguyên đề nghị.
Hiện nay, không chỉ thanh long mà các sản phẩm trái cây khác cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc do thiếu vỏ container.
"Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.