Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 12/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 270.000 tấn, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.720 USD/tấn, tăng 7,9% so với tháng 12/2020.
Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020.
Nhờ sức mua tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục trong năm 2021.
Cụ thể, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 1,05 triệu tấn, trị giá 1,74 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC), mặc dù có sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới vì dịch Covid-19, nhưng ngành cao su đã nỗ lực để đạt được nhiều thành công và sự bền vững trong năm 2021, đặt nền móng cho mục tiêu phát triển bền vững, sâu rộng cho ngành cao su thiên nhiên và gỗ cao su trong những năm tới.
Một trong những điểm nhấn ấn tượng của ngành cao su trong năm 2021 là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt nam (VRG) đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su.
Cho tới nay, đã có 55.000ha diện tích rừng cao su đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, dự kiến đạt 100.000 ha vào quý I/2022.
Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại.
Theo PEFC, 85% cao su thiên nhiên trên thế giới đến từ Đông Nam Á, với phần lớn sản lượng được sản xuất bởi những hộ trồng cao su tiểu điền, do vậy việc đạt được chứng chỉ rừng bền vững rất quan trọng.
Các rừng cao su được quản lý bền vững góp phần giảm thiểu phát thải cacbon bằng cách giảm nạn phá rừng và cải thiện quản lý rừng. .
Cao su thiên nhiên là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra hơn 40.000 loại sản phẩm và nằm trong chuỗi cung ứng trị giá 300 tỉ USD hàng năm và đòi hỏi sức lao động của hàng triệu người.
"Tính bền vững là cần thiết đối với những hộ tiểu điền, bởi vì đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và thị trường" - PEFC khẳng định.