Những ngày cuối năm Tân Sửu, PV Dân Việt về làng bánh tráng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), từ đầu làng, PV bắt gặp nhiều người mang liếp ra phơi bánh tráng.
Clip: Người dân làng bánh tráng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về nghề làm bánh tráng
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Tý (50 tuổi, người làng bánh tráng Tân An) cho biết: "Đợt này phải làm bánh tráng cật lực để phục vụ dịp tết. Mỗi ngày tôi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới xong việc, năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng chỉ trông vào vụ Tết này thôi nên phải cố gắng".
Ông Tý cho biết, không ai biết nghề làm bánh tráng ở làng Tân An có từ bao giờ, các cụ cao niên trong làng chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng từ hơn trăm năm qua.
Dẫn PV vào nhà, ông Tý chỉ tay vào gian bếp, nơi vợ ông đang đều tay tráng bánh và nói: "Nhà tôi 3 đời làm bánh tráng rồi. Tôi đến với nghề này cũng hơn 30 năm. Để làm ra chiếc bánh tráng đậm đà hương vị quê hương Tân An, thoạt nhìn rất giản đơn nhưng người làm bánh phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ".
Vừa tráng bánh, bà Nguyễn Thị Yến (vợ ông Tý) vừa chia sẻ: "Tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để vo gạo đã ngâm từ tối hôm trước, rồi sau đó xay nhuyễn kết hợp với ít bột lọc. Tôi chỉ sản xuất bánh tráng mè đen nên phải chọn mè đen ngon và kết hợp thêm ớt để tạo hương vị. Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, tôi nhóm lửa, đặt nồi lên bếp rồi bắt đầu tráng bánh".
"Bình quân mỗi ngày tôi sản xuất 20 kg gạo nguyên liệu, cho ra khoảng 700 bánh thành phẩm, mỗi chiếc bánh tráng được bán với giá 1.500 đồng", bà Yến nói.
Theo ông Tý, mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa. Công đoạn phơi bánh mới thực sự công phu.
"Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của mè đen. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản", ông Tý cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: "Làng bánh tráng Tân An hiện có hơn 260 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn gạo nguyên liệu".
Theo ông Bình, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân làng nghề từng bước cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường. Hiện, làng bánh tráng Tân An có gần 50 máy làm bánh được đưa vào hoạt động.
Bà Ngô Thị Tâm (66 tuổi, người làng bánh tráng Tân An) chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy cho hay: "Tôi làm nghề này được hơn 50 năm rồi, hằng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng để xay gạo, hấp bánh. Từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất, người làm bánh đỡ vất vả, hiệu suất làm việc tăng cao".
Được biết, hiện nay, Hợp tác xã bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã được thành lập với hơn 15 xã viên, tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập 100.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
"Nghề làm bánh tráng đã tồn tại hơn trăm năm và nuôi sống biết bao người dân ở làng quê ven dòng sông Gianh này. Ngôi làng vốn rất ít đất để sản xuất nông nghiệp nên việc làm bánh tráng được xem là nghề tạo thu nhập chính cho người dân nơi đây. Cứ đến những tháng cuối năm, cả làng lại tất bật chuẩn bị cho vụ bánh lớn nhất trong năm. Hàng trăm lò bánh tráng hoạt động hết công suất, lượng sản phẩm làm ra gấp mười lần so với ngày thường để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng", ông Ngô Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh.