Tào Tháo được coi là chính trị gia, nhà quân sự kiệt xuất thời Tam Quốc. Ông chính là người có công lớn trong việc thống nhất phương Bắc giữa bối cảnh thiên hạ loạn lạc, đồng thời là người đặt nền móng vững chắc cho chính quyền Tào Nguỵ.
Không chỉ nổi tiếng trên vũ đài chính trị Tam Quốc, Tào Tháo còn có tới 25 người con trai, thậm chí có những người vô cùng nổi bật trên cả chính trường và văn đàn lúc bấy giờ. Trong đó, phải kể đến hai người con trai là Tào Phi và Tào Thực.
Sau khi Tào Tháo qua đời vào năm 220, Tào Phi kế vị tước hiệu Nguỵ vương của cha trong vòng 7 tháng. Đến tháng 12/220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi vị, lập ra nhà Tào Nguỵ và lên ngôi hoàng đế, xưng là Ngụy Văn Đế.
Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nhà thơ tài ba. Tào Phi cùng cha Tào Tháo và em trai Tào Thực được gọi là Tam Tào và rất nổi tiếng trong giới văn đàn Kiến An. Trong khi đó, Tào Thực còn được đánh giá là có tài văn chương xuất sắc hơn cả người anh Tào Phi. Do đó, ông luôn được Tào Tháo ưu ái. Chính điều này khiến Tào Phi luôn ghen ghét.
Có những bài thơ bất hủ được ra đời từ những cuộc đấu trí sinh tử giữa hai anh em họ Tào. Đỉnh cao là hai lần thử thách giữa lằn ranh sinh tử mà Tào Phi dành cho em trai Tào Thực.
Sau khi lên ngôi hoàng đế, Tào Phi vẫn tìm cách trừ khử những mối họa với ngai vàng của mình. Trước kia, Tào Thực được Tào Tháo vô cùng yêu mến, nên đe dọa trực tiếp đến vị trí thế tử của Tào Phi. Chính vì thế, Tào Thực luôn trở thành mục tiêu của Tào Phi.
Tào Phi phong tước vị cho Tào Thực ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, buộc phải rời khỏi kinh thành. Chưa hết, trong thời gian này, Ngụy Văn Đế Tào Phi cũng không ít lần suýt đưa Tào Thực vào chỗ chết.
Tào Thực (192 - 232), tự Tử Kiến, là con trai thứ ba của Tào Tháo với chính thất Biện phu nhân. Ông có hai người anh ruột là Tào Phi và Tào Chương.
Tuy không có tài năng võ nghệ bằng Tào Chương, hay mưu trí như Tào Phi, nhưng Tào Thực lại bộc lộ sự thông minh và khả năng thơ phú từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, Tào Thực chính là người con được Tào Tháo yêu quý nhất, sau khi Tào Xung sớm qua đời vào năm 12 tuổi.
"Thất bộ thi" (bài thơ trong 7 bước chân) chính là bài thơ tuyệt phẩm giúp Tào Thực thoát chết trong gang tấc. Tương truyền, có người tố giác Tào Thực thường uống rượu và chửi mắng Tào Phi. Do đó, Tào Phi cử người tới bắt Tào Thực đem về để hỏi tội.
Tào Phi lấy cớ Tào Thực mắc lỗi, nên đưa ra thử thách yêu cầu Tào Thực phải làm được một bài thơ trong 7 bước chân. Nếu như không làm được thì sẽ mất mạng.
Tào Thực khi ấy dùng hình ảnh cành đậu đun hạt đậu nhằm ẩn ý về việc anh em tương tàn vì tranh quyền đoạt vị. Bài thơ được làm đúng trong 7 bước chân. Ý tứ của bài thơ khiến Tào Phi cũng phải cảm động và quyết định tha mạng cho Tào Thực.
Chử đậu nhiên đậu kỳ,
Đậu tại phủ trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh.
Tương tiên hà thái cấp.
Tạm dịch:
Nấu đậu đốt cành đậu,
Đậu ở trong nồi khóc
Đồng sinh từ một gốc,
Đốt nhau sao quá gấp.
Bài thơ này quá nổi tiếng dù vẫn còn không ít tranh cãi về nguồn gốc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi có bài thơ bảy bước chân này, Tào Thực từng bị Tào Phi ép phải làm một bài thơ trong vòng một trăm bước chân ngựa. Bài thơ này được gọi là "Tử Ngưu thi", có nghĩa là "Bài thơ về con trâu chết".
Có giai thoại cho rằng, trong một lần đến vùng lân cận nơi Tào Thực đang nhậm chức, Tào Phi lệnh cho Tào Thực cùng đi với mình. Khi ấy, có hai con trâu đang dùng sức húc nhau nên cả đoàn quân dừng lại xem. Sau cùng, một con trâu bị đánh bại, rơi xuống một cái giếng nước ở bên đường rồi bỏ mạng.
Nhìn cảnh tượng này, Tào Phi đã yêu cầu Tào Thực sáng tác một bài thơ 40 chữ về những gì vừa mới xảy ra. Nhưng ngặt một nỗi là không được dùng 4 chữ, bao gồm trâu, giếng, đánh nhau và chết.
Đặc biệt, bài thơ 40 chữ này còn phải được sáng tác trên lưng ngựa và trong thời gian là không quá một trăm bước đi của ngựa. Nếu làm trái thì Tào Thực sẽ phải chết.
Đây thực sự là một thử thách đẩy Tào Thực vào chỗ chết. Nhưng không ngờ, ngựa đi chưa được một trăm bước, Tào Thực đã sáng tác xong "Tử Ngưu thi".
Lưỡng nhục tề đạo hành,
Đầu thượng đới hoành cốt.
Hành chí tín thổ đầu,
Luật khởi lưỡng đường đột.
Nhị địch bất câu cương,
Nhất nhục ngọa thổ quật.
Phi thị lực bất như,
Thịnh ý bất đắc tiết.
Hai câu thơ cuối của Tào Thực cũng đầy ẩn ý, đó là không muốn dốc hết sức để tránh thương vong cả đôi. Tào Phi nghe xong biết không thể trị tội Tào Thực được nữa, nên đành ra lệnh hồi cung.
Tào Thực tuy thoát nạn xong sau cùng cũng không có những ngày tháng an nhàn. Cụ thể, đến thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ (con của Tào Phi), dù được mang tước vương nhưng Tào Thực bị thuyên chuyển nhiều lần. Cuối cùng, ông sinh bệnh và qua đời vào năm 232 khi mới 40 tuổi.