"Cuộc sống luôn để lại cho những vết thương bầm dập. Nhưng đến sau này, những vết thương đó nhất định sẽ trở thành những nơi mạnh mẽ kiên cường nhất của chúng ta".
Vào năm 226 sau Công Nguyên, Hoàng đế Đại Ngụy Tào Phi trút hơi thở cuối cùng lìa xa trần thế. Nhìn lại bốn mươi năm cuộc đời ngắn ngủi của ông, Tào Phi không giỏi thao lược như người cha Tào Tháo, cũng không có tài năng kiệt xuất như người em Tào Thực.
Câu chuyện "Bảy bước thành thơ" đã phơi bày bộ mặt nham hiểm độc ác của Tào Phi ra trước nhân thế, khiến ông luôn bị người đời chỉ trích suốt ngàn năm nay. Nhưng mặt cương nghị, mạnh mẽ, tinh tế và đa tài của Tào Phi đã bị che đi bởi bức màn lịch sử.
Nhiều năm sau, khi chúng ta nhìn lại Tào Phi bằng một thái độ công bằng hơn, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của ông giống như một bộ phim truyền cảm hứng.
Càng không được người khác yêu thích thì càng phải nhẫn nại
Tào Phi, tự là Tử Hoàn, là con đầu lòng của Tào Tháo và Biện phu nhân. Ông là người có tư chất thông minh, học rộng hiểu nhiều. Thuở thiếu thời, Tào Phi có thuộc làu các tác phẩm kinh điển cổ xưa của hàng trăm nhà tư tưởng truyền thống.
Vì được sinh ra trong thời đại chiến tranh loạn lạc, ngay từ khi còn nhỏ, Tào Phi đã được Tào Tháo đưa ra tiền tuyến đánh trận, Ông đã biết bắn tên từ năm sáu tuổi và biết cưỡi ngựa từ năm tám tuổi. Đến năm mười tuổi, Tào Thi đã có thể tòng quân đi nam chinh bắc chiến.
Tào Tháo tổng cộng có 25 người con trai. Trong đó Tào Ngang vừa là con trưởng, vừa nổi tiếng nhân hiếu. Tào Ngang là ứng cử viên hoàn hảo để trở thành người kế vị Tào Tháo. Nhưng số phận vẫn luôn ẩn chứa những bất trắc không ai ngờ đến. Vào những năm đầu Kiến An, Tào Tháo đi chinh phạt Trương Tú ở phía Nam. Tào Ngang đã không may tử nạn trong trận chiến này.
Sau cái chết của Tào Ngang, mẹ nuôi của ông Đinh Thị đã đau buồn quá độ mà đoạn tuyệt quan hệ với Tào Tháo. Biện phu nhân vì thế mà trở thành chính thất của Tào Tháo, còn Tào Phi thì nghiễm nhiên trở thành con trưởng. Đây đã trở thành bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời của ông.
Nhưng sự thay đổi thân phận này không giúp Tào Phi có được sự sủng ái của cha mình. Sau khi Tào Ngang qua đời, Tào Tháo lại hết mực yêu thương một người con trai khác tên là Tào Xung. "Tam quốc chí" ghi lại rằng, khi mới lên năm lên sáu, Tào Xung đã có trí tuệ của một người trưởng thành. Nhiều lần Tào Tháo cũng khen ngợi tài năng và trí tuệ nở sớm của Tào Xung trước mặt các quần thần. Vào năm 208 sau Công Nguyên, Tào Xung đã mắc phải một căn bệnh lạ khi mới có mười ba tuổi. Tào Tháo đã thử rất nhiều phương thuốc nhưng cũng không sao cứu được mạng sống của cậu con trai yêu quý.
Tào Phi đến an ủi cha nhưng lại chỉ nhận lại một câu nói lạnh lùng – "Đây là nỗi bất hạnh của ta, nhưng lại là niềm vui của các ngươi."
Sau Tào Ngang và Tào Xung, thì Tào Tháo lại tiếp tục giành sự sủng ái đặc biệt cho người em trai Tào Thực của ông. Tào Thực sở hữu tài năng xuất chúng nên được Tào Tháo đặc biệt yêu quý. Do đó, Tào Thực lại trở thành ứng cử viên tiềm năng nhất cho ngôi vị thế tử.
Tào Phi dường như sinh ra đã luôn đóng vai phụ. Dù ông có cố gắng đến đâu, thì ông cũng không có được sự yêu thích của cha mình. Tào Phi giống như một học sinh luôn chăm chỉ học hành nhưng lại không bao giờ được thầy cô quý mến. Ông là một đứa trẻ cô độc lớn lên trong góc tối và bị mọi người lãng quên.
Tào Phi đã cảm nhận được sự lạnh nhạt của cha đối với mình. Nhưng nếu đã không được sủng ái, không được yêu quý thì bản thân có nên từ bỏ không? Dĩ nhiên là không!
Tào Phi hiểu, một người càng không được người khác yêu quý thì càng phải bình tĩnh và nhẫn nại. Chỉ cần bản thân không nhận thua thì sẽ không có ai có thể làm cho mình gục ngã.
Khi Tào Thực được đi theo Tào Tháo chinh chiến khắp bốn phương, Tào Phi phải ở lại Nghiệp Thành để giải quyết công chuyện hàng ngày. Bất cứ nơi nào có nổi loạn, Tào Phi đều nhanh chóng dẫn quân đi trấn áp. Những lần trải nghiệm như này đã rèn giũa nên năng lực ứng phó với những tình huống khẩn cấp của Tào Phi.
Ngoài ra, Tào Phi cũng đối xử cung kính tôn trọng với các lão thần và học sỹ trong triều đình để tích cực mở rộng các mối quan hệ đồng minh. Chẳng mấy chốc, Tào Phi đã xây dựng được một đội ngũ mưu sỹ cố vấn hậu thuẫn sau lưng.
Dù không được cha quan tâm và yêu thương, nhưng Tào Phi lại biết âm thầm xoay chuyển tình thế và tích lũy sức mạnh, để nhẫn nhịn chờ thời.
Một ngày nọ vào năm 217 sau Công nguyên, Tào Thực đã bất chấp luật lệ, vì say rượu mà đã tự ý sử dụng xe ngựa của vương thất, mở cửa Tư Mã, cho ngựa phi nước đại trên cấm đạo.
Trong cơn thịnh nộ, Tào Tháo đã hạ lệnh xử tử người trông giữ xe ngựa của vương thất. Lúc này, cán cân trong lòng Tào Tháo bắt đầu lung lay. Tào Tháo tự hỏi liệu một người có tính cách bộc trực phóng khoáng như Tào Thực có thích hợp với ngôi vị đế vương hay không.
Vào năm Kiến An thứ 22, giữa Tào Phi và Tào Thực, Tào Tháo cuối cùng đã đưa ra lựa chọn của mình: lập Tào Phi làm Ngụy thế tử.
Đây chính là thời khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời của Tào Phi. Tào Phi cười như một đứa trẻ, ôm cổ đại thần Tân Tì đầy phấn khích nói: "Tân đại nhân, ngài không biết ta vui thế nào đâu?"
Sau khi nhìn thấu sự sống và cái chết, mà vẫn luôn tin vào ý nghĩa của sự chăm chỉ
Cuộc sống luôn đi kèm với được và mất. Vào năm Tào Phi được phong làm thế tử, bệnh dịch hoành hành ở Nghiệp Thành, gây nên nỗi đau cho biết bao nhiêu gia đình, ở đâu cũng vang lên tiếng khóc thương buồn thảm tha thiết. Những người bạn tâm giao của Tào Phi là Từ Can, Trần Lâm, Ứng Dạng và Lưu Trinh lần lượt từ giã cõi đời trong đại dịch.
Tất cả họ đều là những người tài hoa xuất chúng, là thành viên của nhóm Kiến An thất tử nổi tiếng. Họ cũng là những người bạn văn chương mà Tào Phi luôn trân trọng suốt cả đời. Trong những tháng ngày chán nản, chính họ là người cùng Tào Phi viết nên những vần thơ, để vứt bỏ hết những ưu tư cuộc sống ra xa thân mình. Nhưng bây giờ, họ đã không còn ở đây nữa. Đây thực sự là một đòn đả kích lớn đối với Tào Phi. Tào Phi đã viết thư cho Vương Lăng rằng: "Sinh ra với thân hình bảy thước, thế mà chết đi cũng là một cỗ quan tài chôn vùi trong đất." Lời nói của ông tràn ngập nỗi thê lương và cô đơn.
Vào thời Ngụy Tấn, thuật giả kim phát triển mạnh mẽ. Nhiều hoàng đế luôn nuôi mộng được trường sinh bất lão. Nhưng Tào Phi lại không hề bị cuốn vào cuộc theo đuổi hão huyền này, mà chỉ tập trung làm tốt việc của mình.
Tào Phi biết rõ, con người sau khi chết sẽ không còn bất cứ thứ gì ngoại trừ một nắm đất. Cho nên, Tào Phi không bao giờ ôm những vọng tưởng hão huyền về cái chết.
Trong một thời đại ai ai cũng khao khát được tu luyện thành tiên, Tào Phi chỉ đơn giản là người tỉnh táo giữa chốn nhân gian u mê này.
Thậm chí, Tào Phi còn tỉnh táo nhận ra rằng chắc chắn sẽ có một ngày hoàng triều Tào Ngụy đi vào suy vong. Vào năm thứ ba nhà Ngụy, Tào Phi đã viết: "Từ xưa đến nay, không có quốc gia nào là không bị diệt vong, cũng không có ngôi mộ là không bị đào lên."
Các bậc quân vương ngày xưa rất coi trọng việc chôn cất thi thể và xây dựng lăng mộ. Cho nên, họ thường được chôn theo cùng với những ngọc ngà châu báu trên thế gian. Nhưng Tào Phi lại không cho đó là việc nên làm.
Ông phản đối việc hậu táng và dặn dò các đại thần rằng: "Đừng bỏ than sậy, đừng bỏ vàng bạc châu báu vào quan tài của ta. Cũng đừng bắt chước những tục lệ ngu xuẩn của thế gian. Bởi vì việc giữ cho xác chết còn nguyên vẹn là một việc làm vô ích."
Điều đáng quý là Tào Phi đã không hề phủ nhận ý nghĩa của sự nỗ lực chăm chỉ sau khi nhìn thấu sự thật rằng rồi ai cũng sẽ phải chết. Ông hiểu rằng: Dù kết thúc của mỗi người đều giống nhau, nhưng trải nghiệm cuộc sống của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Chính vì có cái chết mà sinh mạng thực sự rất quý giá. Trong cuộc đời này, ai cũng chỉ có một lần để sống mà thôi. Cho nên nhất định chúng ta phải làm được một điều gì đó, để không phí hoài cuộc đời này.
Năm Kiến An thứ 25, Tào Tháo từ trần. Sau một thời gian dài tranh đấu để giành lấy ngôi vị thế tử, Tào Phi chính thức lên ngôi hoàng đế vào năm 34 tuổi. Tào Phi của năm ấy đang ở vào độ tuổi sung mãn nhưng do đã phải trải qua những thăng trầm của cuộc đời mà mang nỗi than thở của người đầu bạc.
Sau khi lên ngôi, ông đã ban hành một loạt chiếu thư vì lợi ích của nhân dân như nghỉ binh, giảm sưu thuế, giảm nhẹ hình phạt, … Trong thời kỳ trị vì của ông, sự ổn định và thịnh vượng đã xuất hiện trở lại ở khu vực phía Bắc để củng cố hơn nữa sức mạnh của Ngụy quốc.
Từ góc độ của người thứ ba, có lẽ Tào Phi đã thực hiện được ước mơ cao nhất của đời người. Nhưng chỉ có mình ông mới hiểu: chính trị cũng chỉ là một phần trong cuộc đời của ông. Vì ngoài chính trị ra, ông vẫn còn nhiều sứ mệnh quan trọng hơn đang chờ ông hoàn thành.
Ngay cả khi phải sống dưới cái bóng của người khác, thì bạn cũng cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng
Khi còn là thế tử, trong lòng Tào Phi đã luôn mang trong mình ước mộng văn chương và mong một ngày nào đó có thể viết ra một tác phẩm kinh điển để đời.
Vì lý do này, ông luôn chăm chỉ viết văn làm thơ. Nhưng thiên phú luôn là một điều rất kỳ diệu. Người em trai Tào Thực lại có thể viết ra tuyệt tác Đăng Đài Phú ngay trên Khổng Tước đài do chính tay cha ông xây dựng. Điều này thực sự vượt xa khả năng của Tào Phi.
Người đời luôn so sánh Tào Phi với Tào Thực và rồi chỉ ra một kết luận rằng Tào Phi không bằng Tào Thực. Nhà phê bình văn học Chung Vinh của Nam triều đánh giá những bài thơ của Tào Phi trong tập "Thi phẩm" bằng những ngôn từ mang nặng tính phê bình chỉ trích. Trong khi đó, Chung Vinh hết lời khen ngợi thơ ca của Tào Thực, nào là ngôn từ phong phú nào là khí khái ngút trời nào là vừa giữ được nét xưa nhưng lại thể hiện được cá tính. Những dòng chữ ấy dường như vẫn không đủ để mô tả sự kinh ngạc của người đời trước thiên phú văn chương của Tào Thực.
Về phần Tào Phi, điều người ta nhớ rõ nhất về ông chưa bao giờ là những vần thơ áng văn hay, mà là sự nham hiểm thâm độc. Tào Phi vì tranh đoạt ngôi báu mà không ngần ngại ra tay tàn sát anh em ruột thịt, ép chính người em trai ruột phải sáng tác bài thơ Bảy bước.
Nhưng ít ai biết, bài thơ Bảy bước chỉ được ghi lại trong "Thế thuyết tân ngữ", chứ không hề xuất hiện trong tuyển tập "Tào Tử Kiến".
Dưới sự chê trách dè bỉu của người đời, Tào Phi vẫn âm thầm tiến bước trên con đường văn chương. Tào Phi có một tình yêu mãnh liệt với thơ ca. Cho dù ai đó có giỏi hơn ông gấp trăm lần thì điều đó cũng không thành vấn đề với ông.
Khi cảm thấy thất vọng về cuộc đời, Tào Phi coi thơ ca như một hốc cây chứa đựng cảm xúc – "Núi cao có vách, cây rừng có cành. Lo lắng từ đâu nào có ai biết."
Ông đã dành rất nhiều tâm sức để biên soạn bộ sưu tập các tác phẩm của các nhà văn lớn thời Kiến An. Ông cũng đưa ra đánh giá khách quan và công bằng về các tác phẩm của họ: Từ Can vừa nho nhã lại vừa giữ lễ, thanh tịnh tránh xa dục vọng; Nguyễn Vũ phong cách nho nhã, ngôn từ đẹp đẽ ...
Trong lịch sử phê bình văn học, Tào Phi đã đi tiên phong trong việc thực hiện phê bình đánh giá các tác phẩm của nhà văn khác đương thời khác với tư cách là một nhà văn.
Cuốn Điển luận của Tào Phi là tác phẩm phê bình văn học nổi tiếng đầu tiên của Trung Quốc và có ảnh hưởng sâu sắc với hậu thế. Bài Yến ca hành do chính tay ông viết uyển chuyển và lưu luyến. Đây cũng là bài thơ bảy chữ đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Vì không muốn trở nên tầm thường nên hãy để bản thân được tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong những điều bạn yêu thích. Suy cho cùng, Tào Phi vẫn thích một cuộc đời sôi động hết mình hơn một cuộc đời nhàm chán được chăng hay chớ.
Sau hàng ngàn năm trôi qua, cuối cùng cũng có người đời cũng dần hiểu cho ông. Vương Phu Chi có viết: "Giữa Tào Tử Kiến và Tào Tử Hoàn là khoảng cách giữa thần tiên và người phàm. Người đời chỉ gọi Tử Kiến, chứ không biết có Tử Hoàn vì lưu truyền là vậy."
Diệp Gia Bảo Tiên ca ngợi ông là một "nhà thơ của thiên nhiên". Những vần thơ của ông không cần hoa mỹ mà vẫn làm rung động lòng người.
Nếu Tào Phi ở trên trời biết được, chắc chắn sẽ cảm thấy rất vui sướng. Dù gì thì cả đời này, ông cũng nhận được sự chê bài dè bỉu nhiều hơn là những lời công nhận và khen ngợi. Tào Phi sinh ra vốn không phải là người nổi bật nhất cùng với sự tự ti khắc sâu trong xương tủy khiến ông luôn thấy tủi thân. Nhưng điều này cũng khiến Tào Phi nhận ra rằng sớm hiểu ra: cách duy nhất để có được thứ mình muốn chính là tự mình đứng lên tranh đấu.
Tào Phi cũng giống như một người bình thường đang chật vật trong vũng lầy của cuộc đời, thường xuyên bị người khác đè bẹp, vận may cũng không tốt lắm. Nhưng Tào Phi lại có một ưu điểm lớn nhất, đó là không bao giờ chịu khuất phục trước số phận.
Chính sự cứng cỏi khi dám thách thức số phận đã giúp ông kiểm soát được bản thân khi rơi vào tăm tối. Từ đó, ông không ngừng tích lũy thêm sức mạnh từ những nỗi đau và nuôi dưỡng sự kiên cường bằng tính nhẫn nại.
Giống như câu nói mà Hemingway đã viết trong cuốn Ông già và biển cả: "Cuộc sống luôn để lại cho những vết thương bầm dập. Nhưng đến sau này, những vết thương đó nhất định sẽ trở thành những nơi mạnh mẽ kiên cường nhất của chúng ta."
Khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, chúng ta không cần phải hoảng sợ, càng không cần phải tuyệt vọng. Khi vượt qua được những ngày tháng này, chúng ta tìm được những khoảnh khắc tươi sáng cho riêng mình. Vào ngày đó, bạn sẽ nhận ra những sự thay đổi mà bạn đang cố gắng từng ngày sẽ dần trở thành hiện thực dưới sự nuôi dưỡng của thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.