Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán. Ông cũng được biết tới là người đặt cơ sở cho chính quyền Tào Ngụy vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, Tào Tháo vốn sở hữu hậu cung với nhiều thê thiếp, số lượng con trai của ông bởi vậy mà cũng không thể coi là ít. Cũng bởi vậy mà đã từng có giai đoạn, vị trí người kế thừa đại nghiệp của Tào Mạnh Đức đã trở thành mục tiêu tranh đấu của các hậu duệ thuộc gia tộc này.
Tuy nhiên nhìn lại cuộc chiến tranh giành quyền lực âm thầm mà khốc liệt trong nội bộ gia tộc họ Tào, không khó để nhận thấy Tào Tháo với những quan điểm tiến bộ và sự khôn ngoan của bậc đại trí đã trở thành người được hưởng lợi nhiều hơn cả.
Không phân biệt trưởng - thứ: Quan điểm tiến bộ của Tào Tháo trong việc chọn người kế nghiệp
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Theo nhận định của tờ báo East Day (Trung Quốc), mặc dù từng có tới 24 người con trai, tuy nhiên những người thực sự từng được Tào Tháo xem trọng lại chỉ có các nhân vật nổi danh dưới đây.
Nhân vật thứ nhất là Tào Ngang, con trai trưởng đầu tiên của Tào Tháo do người vợ cả Biện phu nhân nuôi dưỡng. Ông được xem là một nhân tài đắc lực, 20 tuổi đã được phong làm Hiếu liêm và rất được cha coi trọng. Chỉ tiếc rằng tới năm Kiến An thứ 2, Tào Ngang đột ngột qua đời trong lúc Tào Tháo chinh phạt Trương Tú.
Nhân vật thứ hai là Tào Xung – một trong những thần đồng nhỏ tuổi nổi danh Tam Quốc. Người con này từ nhỏ đã nổi danh thông minh, nhân ái, nhận được sự tán thưởng sâu sắc từ Tào Tháo. Tiếc thay "nhân tài đoản mệnh", Tào Xung cũng qua đời vì bạo bệnh khi mới hơn 10 tuổi.
Trước cái chết của người con thần đồng, Tào Tháo đau lòng khôn xiết. Khi được con trưởng là Tào Phi an ủi, ông đã từng thẳng thắn nói rằng: "Đây là bất hạnh của ta, nhưng cũng là may mắn của con".
Điều này cho thấy năm xưa vị quân chủ họ Tào quả thực đã từng cân nhắc tới việc chọn Tào Xung làm người kế nghiệp, dù cho người con trai này không phải là con trưởng.
Như vậy sau cái chết đột ngột của Tào Ngang và Tào Xung, hai nhân vật chính còn lại trong công cuộc chạy đua để trở thành người kế nghiệp của gia tộc họ Tào chỉ còn Tào Thực và Tào Phi - 2 người con trai cùng do Biện phu nhân sinh hạ.
Người thao túng thực sự trong cuộc chiến tranh ngôi của Tào Phi - Tào Thực
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Năm xưa khi Đinh phu nhân bỏ đi sau cái chết của Tào Ngang, Biện phu nhân liền trở thành người đứng đầu trong hậu cung của Tào Tháo.
Cũng bởi vậy mà người con trai lớn Tào Phi do bà sinh hạ sau đó được xem như con trưởng và trở thành người lẽ ra được danh chính ngôn thuận kế thừa thiên hạ nếu chiếu theo quan niệm "lập trưởng không lập thứ" vào thời bấy giờ.
Tuy nhiên trên thực tế vào thời điểm Tào Tháo cân nhắc tới việc truyền lại đại nghiệp, ứng cử viên sáng giá không chỉ có mình Tào Phi mà còn có thêm người em trai ruột rất mực tài hoa là Tào Thực.
Tương truyền rằng Tào Thực là một tài tử nổi tiếng đương thời và sở hữu thành tựu rất cao trên phương diện văn học. Ngoài thiên phú về văn chương, ông còn có tài ăn nói khéo léo, hơn nữa luôn giữ được thái độ bình tĩnh, ung dung khi đối nhân xử thế.
Cũng bởi vậy mà người con thứ sở hữu tư chất không hề tầm thường này đã từng có giai đoạn rất được lòng Tào Tháo.
Năm Kiến An thứ 18, Tào Tháo được phong làm Ngụy công. Tuy nhiên ở vào thời điểm ấy, ông chưa lập tức định ra người kế thừa mà đang âm thầm cân nhắc giữa hai anh em Tào Phi – Tào Thực.
Người bình thường khi nhìn vào sẽ thấy rằng Tào Thực bấy giờ chỉ sở hữu tài văn chương nổi bật nhưng luận về kinh nghiệm trị quốc hay võ lực thì lại không có thành tựu gì.
Trên thực tế, năm xưa khi chinh phạt Tôn Quyền, ông từng được Tào Tháo giao cho quyền trấn thủ ở đại bản doanh Nghiệp Thành. Việc để cho Tào Thực trông giữ một cứ điểm quan trọng như vậy chính là minh chứng cho thấy Tào Mạnh Đức thực sự coi trọng bản lĩnh chính trị của người con thứ này.
Chưa dừng lại ở đó, thực tế là Tào Thực ngay từ khi còn rất trẻ đã thường theo cha đi nam chinh bắc chiến. Những chiến dịch nổi tiếng như chinh phạt Ô Hoàn, Lưu Biểu hay trận chiến Xích Bích đều có sự góp mặt của nhân vật này.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, Tào Thực dù sở hữu tài hoa xuất chúng nhưng cũng mang theo tính tình tùy hứng của bậc thi nhân, bởi vậy nên không quá thích hợp để gánh vác đại nghiệp.
Tương truyền rằng có lần Tào Thực say rượu, từng sai đánh xe ngựa tự mở cửa Vương cung đi ra ngoài phạm vi quy định. Tào Tháo biết được chuyện này liền vô cùng tức giận, xử viên quan giữ cửa Vương cung vào tội chết.
Lần khác, Tào Thực được cha hạ lệnh đem quân xuất chinh. Bấy giờ, anh trai Tào Phi liền cố ý sai người chuẩn bị tiệc rượu tiễn em, chuốc cho Tào Thực say túy lúy. Một lát sau, Tào Tháo cho người tới giục con trai lên đường nhưng Tào Thực vẫn chưa tỉnh rượu, liền bị cha bãi bỏ quyền cầm quân.
Những sự kiện xuất phát từ tính cách phong lưu và tùy hứng nói trên đã khiến cho địa vị của Tào Thực bị lung lay, đồng thời lại càng củng cố vững chắc vị trí của con trưởng Tào Phi.
Kết quả là tới năm Kiến An thứ 22, Tào Phi chính thức được phong làm Vương Thế tử. Sau khi Tào Tháo qua đời, người con trưởng này cũng thuận lợi kế thừa địa vị Ngụy vương của cha, Tào Thực từ đó chính thức trở thành kẻ thất bại trong cuộc chiến tranh quyền năm ấy.
Cái khôn ngoan của bậc đại trí giúp Tào Tháo ngồi giữa hưởng lợi trong cuộc chiến tranh quyền trong gia tộc
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Từ những minh chứng nói trên, không khó để nhận thấy Tào Tháo mới thực sự là người ngồi giữa hưởng lợi trong cuộc chiến tranh giành vị trí kế thừa của các con trai. Theo East Day, cái "đại trí" của ông được thể hiện thông qua 2 điểm nổi bật dưới đây.
Thứ nhất: Sẵn sàng bỏ qua quan niệm "lập trưởng không lập thứ", tạo ra cơ hội cạnh tranh công bằng
Không khó để nhận thấy bên cạnh hai người con trai trưởng là Tào Ngang cùng Tào Phi sau này, bản thân Tào Tháo đã từng công khai tỏ ra coi trọng và dốc lòng bồi dưỡng những người con thứ khác là Tào Xung cùng Tào Thực.
Điểm này đã phản ánh một sự thật hết sức rõ ràng: Quan điểm lựa chọn người kế thừa của Tào Mạnh Đức vốn không câu nệ trưởng thứ và không hề bị bó buộc bởi các quan niệm truyền thống.
Vào thời phong kiến, quan niệm "lập trưởng không lập thứ" từ lâu đã trở nên thâm căn cố đế. Cũng bởi vậy mà không ít người cho rằng lựa chọn con trưởng nối nghiệp chưa hẳn đã là việc làm tốt nhất, nhưng đó chắc chắn là quyết định có được sự công nhận và ủng hộ hơn cả.
Tuy nhiên bản thân Tào Tháo lại không hề đặt nặng việc xem trọng thứ tự trưởng – thứ. Ông thậm chí còn dùng hành động và thái độ của bản thân để thay đổi quan niệm này, âm thầm cho con cái có được cơ hội cạnh tranh công bằng để từ đó chọn ra người ưu tú nhất.
Thứ hai: Không chọn người kế nghiệp quá sớm để kiểm soát và duy trì cục diện ổn định
Có ý kiến cho rằng, Tào Tháo sở hữu một mực do dự không quyết trong việc lập tự xuất phát từ hai lý do.
Nguyên nhân thứ nhất là bởi ông hy vọng có thể chọn ra người kế thừa ưu tú nhất. Nguyên nhân thứ hai đến từ việc ông muốn duy trì sự ổn định vững vàng trong nội bộ, tránh vì chuyện nối nghiệp mà để xảy ra biến loạn.
Dựa theo ý muốn của Tào Tháo, nếu ông muốn lập con thứ như Tào Thực làm người thừa kế thì chắc chắn sẽ cần một lý do chính đáng và đặc biệt là sự ủng hộ của đa số triều thần.
Thực tế là với năng lực của Tào Mạnh Đức, ông hoàn toàn có thể dẹp bỏ mọi cản trở để dọn đường cho người con trai ấy lên ngôi. Tuy nhiên trong quá trình tự thân khảo sát, Tào Tháo biết rằng tính cách của Tào Thực khó có thể đảm đương đại nghiệp, từ đó liền quyết định nhường lại ngai vị cho con trưởng Tào Phi.
Hiển nhiên, việc để Tào Phi làm người kế nghiệp vốn là lựa chọn ổn thỏa nhất, là kết quả thỏa đáng từ quá trình cân nhắc về quan niệm truyền thống cũng như khảo nghiệm và tài năng, tính cách, đồng thời cũng phù hợp với ý kiến của đa số triều thần.
Thế nhưng Tào Tháo chung quy vẫn đặt ra cho Tào Phi cùng những người con có tiềm năng của mình cơ hội cạnh tranh công bằng để bản thân họ tự biết tu dưỡng, đồng thời cũng âm thầm khống chế những cuộc tranh đấu âm thầm ấy để duy trì sự ổn định cho đại cục.
Sau cùng, dù cho ngoài mặt từng đề cao tư tưởng không nhất thiết phải lập con trưởng, thế nhưng một Tào Tháo khôn ngoan và toan tính chung quy vẫn để người con trưởng danh chính ngôn thuận là Tào Phi thừa kế đại nghiệp.
Chiêu bài này một mặt vừa giúp ông có cơ hội thi hành những quan điểm tiến bộ, mặt khác lại vẫn duy trì kết quả chung cuộc không gây tranh cãi. Đó chính là cái đại trí của Tào Tháo – người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến tranh giành vị trí kế thừa của hậu duệ thuộc gia tộc họ Tào.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.