Theo The Moscow Times, cuộc bạo loạn với diễn biến cực nhanh, khởi nguồn từ các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu trong tuần này ở Kazakhstan là điều bất ngờ đối với Điện Kremlin.
Chỉ vài ngày trước năm mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón lãnh đạo Kazakhstan là Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev và người tiền nhiệm Nursultan Nazarbayev tại St.Petersburg ở một hội nghị thượng đỉnh không chính thức với một số nhà lãnh đạo thời hậu Xô Viết, không ai trong số họ dự đoán được việc bạo loạn sẽ xảy ra.
Hai nhà lãnh đạo về nước ngay sau khi các cuộc biểu tình nổ ra. Chỉ trong vòng 3 ngày, các tòa nhà chính phủ và xe cảnh sát đã bị đốt phá, các ngân hàng và cửa hàng bị cướp bóc và sân bay quốc tế Almaty bị người biểu tình chiếm đóng. Khi cảnh sát cố gắng giành lại quyền kiểm soát Almaty, những cuộc đấu súng đã diễn ra, hàng chục người biểu tình có vũ trang và 18 nhân viên an ninh được cho là đã thiệt mạng.
Sự lan rộng nhanh chóng của các cuộc biểu tình trên khắp Kazakhstan đã khiến Tổng thống Tokayev phải cầu cứu Nga và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Trong số 19 triệu dân số của Kazakhstan, 3,5 triệu là người dân tộc Nga, vì thế, lẽ đương nhiên, Moscow không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
Moscow đã nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi và tổ chức một lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO, bao gồm 3.000 lính dù Nga đến Kazakhstan vào ngày 6/1.
Ngay từ đầu, Moscow đã tỏ ra thận trọng và giới hạn nhiệm vụ của lực lượng này trong việc đảm bảo các cơ sở chiến lược và các tài sản quan trọng khác, không trực tiếp đối phó với những người biểu tình. mà nhường lại việc đó cho cảnh sát và quân đội Kazakhstan.
Tuy nhiên, can thiệp quân sự vào Kazakhstan của Nga vẫn chứa đầy rủi ro. Nếu nhiệm vụ của các lực lượng Nga được mở rộng và kéo dài, điều đó có thể khiến người dân Kazakhstan ác cảm, hoặc thậm chí là thù địch và phản kháng.
Ngoài ra, điều này cũng sẽ tác động đến chính nước Nga, khi ma fcác cuộc thăm dò đầu tiên cho thấy rằng số người phản đối việc Moscow điều quân đến Kazakhstan nhiều gấp đôi số người ủng hộ động thái này.
Tuy nhiên, nếu Nga thành công trong việc giúp Kazakhstan lập lại trật tự và an ninh, thì quốc gia Trung Á này, giống như Belarus, có thể trở thành đồng minh và đối tác đáng tin cậy hơn của Nga. Tại thời điểm này, tỷ lệ cược đang nghiêng về kịch bản thứ 2, điều này giải thích cho quyết định của Điện Kremlin khi tiếp tục can thiệp nhằm lập lại trật tự - an ninh ở Kazakhstan và hiện nay tình hình đã tạm lắng xuống.