Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Vũ Đặng Quang Tùng, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, năm 2018, anh thành lập trường mầm non với tài sản đầu tư 4 tỷ đồng. Đến giữa năm 2019, số lượng học sinh trong trường được 75 em với 20 giáo viên, nhân viên.
"Trường có diện tích gần 700m2. Mục tiêu xây dựng nhằm mang đến cho các bé một môi trường học tập thân thiện, thông minh, có chương trình song ngữ phát triển tiếng Anh cho các bé. Tôi tâm huyết và hy vọng mang thêm các chương trình học tốt nhất để học sinh trong khu vực được phát triển toàn diện nhằm mục đích phát triển sự nghiệp giáo dục của nước nhà", anh Tùng nói.
Thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, trường đã phải đóng cửa tới 14 tháng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Anh Tùng cho hay, dù không có doanh thu nhưng tháng nào trường cũng phải bù lỗ 70-80 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, duy trì các vị trí chủ chốt như hiệu trưởng, quản lý, giáo viên chính. Trước đây số tiền này còn lên tới 200 triệu đồng. Tất cả đều bỏ từ tiền túi ra chi trả.
"Rất đau xót, sau 8 tháng gồng gánh, chúng tôi đã không thể tiếp tục duy trì ngôi trường mầm non thân yêu được nữa. Dù nhìn thấy trước việc quay trở lại đi học muộn nhất là tháng 3 này sau khi toàn dân tiêm chủng mũi 3. Nhưng đến giờ... chúng tôi đã sức cùng lực kiệt", anh Tùng ngậm ngùi.
Hiện tại, anh Tùng mong muốn tặng ngôi trường cho các mạnh thường quân "có tâm, có tầm và có tiền" để tiếp tục duy trì quản lý cơ sở và nhân sự chờ ngày hoạt động lại. Nếu không có trường sẽ đóng cửa giải thể trong ngày 15/2.
Đồng cảnh với anh Tùng, một chủ trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết cũng đã bỏ ra 20 tỷ đồng để mua tầng 1 ở một khu chung cư đầu tư trường mầm non. Tuy nhiên, trường "đắp chiếu" chưa hoạt động được ngày nào vì 2 năm qua học sinh thường xuyên nghỉ học vì dịch Covid-19.
Cô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, trước khi nghỉ dịch trường có 60 học sinh, gần 10 giáo viên, nhân viên. Năm 2020 với nhiều tháng đóng cửa vì dịch, cô Huyền và các cô giáo trong trường đã lao đao nhưng sau đó lại vui vẻ đón học đi học trở lại. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, cô Huyền đau xót nhìn bao tâm huyết, công sức, tiền bạc của mình khi trường học giờ đóng cửa im lìm.
"Hiện tại mỗi tháng tôi phải bỏ tiền túi ra trả 22 triệu đồng tiền nhà. Trước đây thêm khoảng 20 triệu đồng hỗ trợ cho giáo viên. Lương của cô giáo có thể không trả vì học sinh không đi học nhưng tiền thuê mặt bằng thì phải trả đều đặn", cô Huyền cho biết.
Trước những khó khăn trường tư thục gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô Ngô Thanh Huyền bày tỏ: "Do tôi từng học thạc sĩ ở Thái Lan nên hiện tại có thể làm thêm nghề phiên dịch để duy trì cuộc sống và chi trả thêm các khoản cho trường. Tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ kéo dài tôi buộc phải giải thể trường để tìm việc khác. Tôi mong Chính phủ ra tay cứu giúp, tác động đến ngân hàng để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay vốn duy trì hoạt động".
Anh Vũ Đặng Quang Tùng bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ các trường tư, cho các cháu đi học lại ít nhất 50% để đủ kinh phí duy trì mặt bằng khi trường đáp ứng được 5K. Ngoài ra cũng mong Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí tính trên đầu học sinh để cho trường sớm vượt qua đại dịch".
Anh Tùng cho rằng,nếu tất cả các trường tư thục đều đóng cửa thì khi quay lại hoạt động chắc chắn hệ thống trường công quá tải, dẫn đến bệnh dịch dễ lây lan nhiều hơn và không có chất lượng trong học tập.