Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan cho biết đã nhận được văn bản của đề nghị cung cấp bản sao chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với các lô đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) từ 1/10/2020 đến 30/9/2021.
Ngày 5/1 vừa qua, VSSA có công văn gửi Cục Phòng vệ thương mại và Tổng cục Hải quan cho biết có nhiều dấu hiệu bất thường với C/O cấp cho mặt hàng đường tinh luyện nhập khẩu từ 5 ASEAN.
Cụ thể, về nguồn gốc, đa số đường tinh luyện nhập khẩu trên được sản xuất tại các nhà máy luyện đường ở Indonesia và Malaysia với nguyên liệu chủ yếu từ đường thô nhập khẩu. Theo VSSA, vấn đề bất thường nằm ở chỗ, Malaysia không trồng mía, còn Indonesia có trồng mía nhưng không đủ cho nhu cầu sản xuất đường trắng trong nước và phải nhập khẩu bổ sung.
Theo Tổ chức đường thế giới (ISO), Indonesia và Malaysia là hai quốc gia nhập khẩu đường thô với số lượng lớn hằng năm để phục vụ luyện đường. Hai quốc gia này nhập khẩu đường thô từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ Thái Lan và các quốc gia ngoài ASEAN như Australia, Brazil, Nam Phi…
Cụ thể, năm 2020, Indonesia chỉ nhập 36% đường thô từ Thái Lan, còn Malaysia chỉ nhập 2,8% đường thô từ Thái Lan. VSSA cho rằng phần lớn đường tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam từ hai quốc gia này đều có nguồn gốc từ các nước ngoài ASEAN.
Số liệu xuất khẩu đường của Thái Lan công bố cho thấy đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào trong 11 tháng đầu năm 2021 đều tăng về lượng và giá trị so với cùng kỳ, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid 19 đang xảy ra tại hai quốc gia này.
Nở rộ buôn lậu đường về cuối năm
Cũng theo thông tin từ VSSA, trong tháng 12/2021 các hoạt động gian lận thương mại đường bùng phát mạnh. Các địa phương ghi nhận hoạt động nhập lậu đường gian lận thương mại gia tăng gồm có tỉnh Tây Ninh; tỉnh Long An (khu vực Bình Hiệp); tỉnh Bình Phước; tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị (tuyến Đường 9 Lao Bảo).
Đặc biệt, tại khu vực Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), có tuyến sông Sê Pôn ngắn, hẹp chỉ cần vài phút là có thể đẩy thuyền hàng từ bên Lào sang bờ bên này và đưa hàng đi tập kết tại các kho bãi.
Theo đó, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng với số lượng lớn và dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Các đầu nậu chỉ cần nhập chính ngạch khối lượng nhỏ lấy hồ sơ hợp pháp hóa cho đường lưu thông.
Với dẫn chứng trên, VSSA cho rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập với giá rẻ (đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá, chống trợ cấp lên đến 47,64%).
Một dấu hiệu khác của hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu là sự xuất hiện của các cơ sở sang chiết đóng gói với các nhãn hàng mới phân phối trực tiếp đến người dùng qua các cửa hàng lẻ và bán trực tuyến không đòi hỏi hóa đơn.
Trở lại câu chuyện "mượn đường, né thuế", đại diện VSSA dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu 106.999 tấn đường từ Campuchia và 77.068 tấn đường từ Lào. Con số này nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường hai quốc gia này đã nhập khẩu từ Thái Lan.
"Cả hai Quốc gia này đều không nhập khẩu đường Thái Lan cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dữ liệu nêu trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào.
Ước tính các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang thu lợi bất chính đồng thời đang làm thất thu thuế chống phá giá, chống trợ cấp với giá trị lớn. Tính toán sơ bộ trong 10 tháng đầu năm 2021 từ hai Quốc gia Campuchia và Lào, khối lượng nhập lậu đường có xuất xứ Thái Lan khoảng 350.000 tấn với giá xuất khẩu bình quân 471 USD/tấn, Việt Nam đã thất thu thuế (47,64%) giá trị khoảng 78.500.000 USD, tương đương 1.700 tỷ đồng", đại diện VSSA nêu vấn đề.