Sau quyết định dứt khoát của Bộ Công Thương với đường Thái Lan, sản lượng của loại cây này dự kiến tăng 20%

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 29/06/2021 09:00 AM (GMT+7)
Sau quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, năng suất và sản lượng mía niên vụ tới dự kiến tăng thêm 10 – 20%.
Bình luận 0

Niên vụ 2020 - 2021, có 6 nhà máy đường dừng hoạt động trước cơn lốc đường nhập từ Thái Lan

Báo cáo của các Sở NNPTNT, tổng diện tích mía niên vụ 2020-2021 đạt 152.890 ha, năng suất mía 63 tấn/ha, sản lượng 9.635.600 tấn.

Về mía phục vụ sản xuất đường, theo báo cáo của các nhà máy, niên vụ 2020-2021, diện tích mía thực tế là 128.670 ha, trong đó 117.290 ha có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy, chiếm 91,1%. 

Năng suất mía ép đạt 60,5 tấn/ha, chữ đường 10,3%, sản lượng mía ép 6.739.417 tấn; giá mía bình quân khoảng 940.000 đ/tấn.

Như vậy, niên vụ 2020-2021, diện tích và sản lượng mía giảm khoảng 7% so với niên vụ 2017-2018, và giảm khoảng 40% so với niên vụ 2016-2017 (năm đạt sản lượng cao nhất trong 5 vụ gần đây).  

Sản lượng mía tăng 20% trong niên vụ 2021 – 2022 - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Kon Tum thu hoạch mía. (Ảnh: Báo Kon Tum)

Niên vụ 2020-2021, có 24 nhà máy hoạt động với công suất ép thiết kế 122.000 tấn mía/ngày; có 06 nhà máy mới tạm dừng hoạt động (Phổ Phong, Sơn Dương, Biên Hòa Phan Rang, Vạn Phát, La Ngà, Nông Cống) do thiếu nguyên liệu hoặc thua lỗ. 

Theo báo cáo của các nhà máy, lượng đường sản xuất từ mía trong nước đạt 689.830 tấn, giảm khoảng 10% so với niên vụ 2019-2020 và chỉ còn khoảng 45% so với niên vụ 2016-2017 (5 năm trước).

Lý giải nguyên nhân diện tích mía giảm mạnh trong mấy năm trở lại đây, ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, diện tích mía giảm là do các niên vụ 2018-2020, giá mía giảm thấp, không đảm bảo sản xuất có lãi cho người trồng mía nên người dân thu hẹp sản xuất. 

Bên cạnh đó, có xu hướng tăng tỷ lệ mía được bán tươi (để ép nước) và để phục vụ sản xuất nước mía đóng lon công nghiệp như Lasuco, TTC... (khoảng 2.890.000 tấn mía, chiếm tỷ lệ khoảng 30%).

Sản lượng mía dự kiến tăng 20%

Về kế hoạch sản xuất mía niên vụ 2021 – 2022, ông Mạnh cho biết, do giá mía niên vụ 2020 – 2021 tăng sau quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, năng suất và sản lượng mía niên vụ tới dự kiến tăng thêm 10 – 20%.

Sản lượng mía tăng 20% trong niên vụ 2021 – 2022 - Ảnh 2.

Nông dân xã Mường Bon, Mai Sơn, Sơn La thu hoạch mía bán cho Công ty CP Mía đường Sơn La. (Ảnh: Hà Hoàng).

 "Dự kiến niên vụ 2021-2022, sản lượng đường sản xuất được khoảng 873.000 tấn, tăng thêm khoảng 20% so với niên vụ này. Có 12 nhà máy có khả năng sản xuất đường tinh luyện với tổng công suất 7.400 tấn/ngày" – ông Mạnh thông tin.

Đơn cử, niên vụ 2021 - 2022, toàn vùng mía Lam Sơn sẽ phát triển thêm 40 hợp tác xã, đồng thời, xây dựng ổn định vùng mía thâm canh năng suất, chất lượng cao, điển hình của cả nước với diện tích từ 7.000 - 8.000 ha, năng suất từ 80 - 100 tấn/ha và chất lượng từ 12 CCS trở lên.

Công ty TNHH MTV Đường Ninh Hòa-Biên Hòa cũng đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển diện tích trồng và chăm sóc niên vụ mía 2021-2022, nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, như áp dụng chính sách sách hỗ trợ người trồng mía dùng máy cơ giới cày sâu và Kobelco đào rãnh nhằm phá tầng canh tác. 

Nhờ đó, tính đến giữa tháng 5/2021, diện tích mía của Công ty đầu tư đã tăng 20% so với niên vụ trước.

Theo dự báo, giá thu mua mía tại ruộng niên vụ 2021 – 2022 có thể đạt 900.000 – 1.000.000 đồng/kg. 

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp mía đường tùy vào hoàn cảnh thực tế tại mỗi địa phương, cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía, sao cho người nông dân có thể bù đắp đủ các chi phí. 

Ngành đường Việt Nam có 6 vùng nguyên liệu với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Trên cơ sở đánh giá, cần đề ra kế hoạch và mô hình canh tác cụ thể cho từng vùng để phát huy hết tiềm năng. Không nên máy móc áp dụng một mô hình cho các vùng nguyên liệu khác nhau. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem