Theo thông tin từ đại diện hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết, đơn vị này dự tính tăng lượng hàng tươi sống khoảng 40% để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tới đây.
Ngoài ra, hệ thống này cũng dự kiến tăng lượng tồn kho thông thường lên đến 50% so với ngày thường. Qua đó, đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường cho giai đoạn Tết với mức giá vẫn được kiểm soát.
Một thương hiệu bán lẻ lớn khác là Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp Tết. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn cho biết, để đáp ứng cho nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, trung tâm thu mua của GO! /Big C đã đàm phán với các nguồn cung cấp.
Cụ thể, đơn vị này dự kiến chuẩn bị sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết.
Nhận định về thị trường thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự kiến sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
"Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn", đại diện Vụ Thị trường trong nước thông tin.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân thủ đô mua sắm dịp Tết đã được 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng. Con số này gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu (kế hoạch 5.600 tỷ đồng).
Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng đã chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán. Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm: Các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.