Dân Việt

Làng cổ Ước Lễ ở Hà Nội (Bài 2): Chùa Sổ 500 năm tuổi mang tinh thần tam giáo đồng nguyên

Đinh Hợp - Minh Thúy 25/05/2022 07:01 GMT+7
Theo sự tích và truyền thuyết, chùa Sổ hay còn gọi là Hội Lim quán ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có từ thời Lý-Trần. Chùa Sổ mang tinh thần tam giáo đồng nguyên đặc sắc...

Video: Chùa Sổ, ngôi chùa cổ độc đáo ở làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Những dấu tích vật chất như văn bia, gạch thời nhà Mạc đã khẳng định được niêm đại tuyệt đối của chùa Sổ là năm (1527), cách ngày nay gần 500 năm.

Hà Nội:  - Ảnh 2.

Chúng tôi hỏi thăm và được một cụ cao niên trong làng chỉ đến chùa Sổ. Trên con đường đến chùa là hình ảnh một làng quê đậm chất Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, cánh đồng lúa bát ngát. Người dân trong thôn Ước Lễ hồ hởi dắt trâu ra đồng, còn lũ trẻ con tíu tít chơi đùa bên đường làng. Hình ảnh thôn quê giản dị, yên bình hiện lên khiến ai đặt chân đến đây cũng phải nán lại một chút để cảm nhận.

Hà Nội:  - Ảnh 3.

Nhắc đến chùa Sổ, các cụ cao niên trong làng không giấu nổi niềm tự hào kể về lịch sử thiêng liêng. Theo lời các cụ kể lại, chùa Sổ được xây dựng vào thời nhà Lý trên nền diện tích tổng cộng gần 5.000m2. Chùa có tên chữ là Hội Linh quán, bởi trước đây chùa là một Đạo quán. Đến thế kỷ XVI, Đạo giáo bắt đầu suy yếu, các đạo quán được tận dụng để làm chùa.

Hà Nội:  - Ảnh 4.

Chùa Sổ nằm trên một khu đất biệt lập với làng, chan hòa với thiên nhiên. Bao quanh chùa là cây cối xum xuê khiến không gian nơi đây càng thêm phần thanh vắng, tĩnh mịch. Phía trước chùa có pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay bằng đá được điêu khắc vô cùng tinh xảo.

Hà Nội:  - Ảnh 5.

Chùa Sổ là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn giữ được dấu tích nền móng thời Mạc (1527), hệ thống di vật ở chùa cho thấy có sự giao thoa phát triển đặc sắc của điêu khắc, kiến trúc Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Về kiến trúc, chùa kết cấu theo kiểu nội công - ngoại quốc. Từ cổng chùa vào là tam quan được xây kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói vảy cá. Giữa tam quan có quả chuông đồng lớn đề bốn chữ: “Quan Chung Linh tự”. Xung quanh chùa được xây thêm giếng nước và trồng nhiều cây xanh góp phần làm cho không gian thêm thanh bình êm ả.

Hà Nội:  - Ảnh 6.

Sau khoảng sân rộng là nhà tiền đường gồm ba gian hai dĩ. Hai bên là nhà bia ghi chép lịch sử chùa và tên tuổi những người công đức. Lối vào nhà tiền đường có hai pho tượng hộ pháp cao hơn 2m. Tiếp đến là thượng điện, nơi thờ các vị thần trong Đạo giáo. Tòa hậu đường có gác chuông đồ sộ, hai bên là hai dãy hành lang chạy dài. Trong hậu đường thờ một số tượng thuộc phái Bắc tông.

Hà Nội:  - Ảnh 7.

Chùa Sổ là ngôi chùa đặc biệt mang tinh thần tam giáo đồng nguyên. Ngoài hai bức đại tự “Hội Linh quán” và “Đại La thiên” còn có bức “Từ Vân Pháp Vũ” ở thượng điện thể hiện sự giao hòa tín ngưỡng thờ bà Pháp Vũ của người Việt Nam. Ngôi chùa không những góp phần quan trọng trong việc cung cấp tư liệu về kiến trúc nghệ thuật mà còn phản ánh đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú của cha ông ta ở thế kỷ thứ XVII. Đây là niềm tự hào không nhỏ đối với mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ước Lễ.

Hà Nội:  - Ảnh 8.

Năm 1986, chùa Sổ đã được xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Trải qua năm tháng và thời gian, một số hạng mục trong ngôi chùa đã xuống cấp, hư hỏng, mái ngói xô lệch có nguy cơ bị sụp đổ. Cũng bởi sự gắn bó giữa dân làng và ngôi chùa, vì thế hôm chúng tôi đến đây có rất nhiều người đến chùa. Các cô, dì hồ hởi nhặt cỏ, trồng cây, dọn dẹp bởi chùa đang được tu bổ. Các bậc cao niên trải chiếu, nhâm nhi tách nước chè xanh ngồi đàm đạo những câu chuyện làng.

Hà Nội:  - Ảnh 9.

Hiện nay, chùa Sổ không những là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật góp phần quan trọng trong việc cung cấp tư liệu của nhiều ngành khoa học khác mà còn là giá trị nổi bật tiêu biểu của nền kiến trúc nghệ thuật của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XVII, với mỗi viên gạch cổ, cỡ to, mỗi viên mỗi kiểu, long, ly, quy, phượng được xem như những tác phẩm nghệ thuật hiếm và quý.

Hà Nội:  - Ảnh 10.

Nhiều người đến đây, nếu như không tìm hiểu trước sẽ khá bất ngờ về hệ thống tượng tại chùa Sổ, bởi hệ thống tượng không giống các ngôi chùa khác có các tượng Phật mà là tượng tiên, thánh, ngọc hoàng, đồng tử... Lớp tượng trên cùng ở chùa Sổ là tượng Tam Thanh (Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn), 3 vị tiên thánh cao nhất trong Đạo giáo.

Hà Nội:  - Ảnh 11.

Chùa Sổ là ngôi chùa đặc biệt mang tinh thần tam giáo đồng nguyên. Ngoài hai bức đại tự "Hội Linh Quán" và "Đại La thiên" những phạm trù trong Đạo giáo, còn có bức "Từ Vân Pháp Vũ" ở thượng điện thể hiện sự giao hòa tín ngưỡng dân gian thờ bà Pháp Vũ của người Việt Nam. Cách chùa 200m còn có một giếng lớn mà người dân Ước Lễ gọi là giếng Rồng, rất thiêng.

Hà Nội:  - Ảnh 13.

Ngôi chùa không chỉ lưu giữ nét văn hóa lâu đời mà nó còn là nơi người dân tìm về hướng thiện và tu tâm tích đức...