Dân Việt

Chuyên gia chia sẻ về tương lai của đại dịch Covid-19

Lê Phương (Express) 17/01/2022 15:30 GMT+7
Các biến thể Covid-19 như Delta và Omicron xuất hiện ở từng giai đoạn khác nhau của đại dịch, nhưng chúng xảy ra như thế nào và tại sao chúng ta lại mắc phải chúng? Chuyên gia hàng đầu của BBC, Tiến sĩ Chris Smith sẽ giải thích về những vấn đề này.
Chuyên gia BBC chia sẻ về tương lai của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Chris Smith giải đáp những thắc mắc về đại dịch Covid-19. (Ảnh: BBC)

Kể từ khi được phát hiện vào tháng 11/2021, biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Vương quốc Anh. Ngày 4/1/2022, Anh ghi nhận số lượng ca mắc kỷ lục là 218.724 trường hợp. Trước đó, biến thể Delta cũng bị cho là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai ở Anh. 

Mới đây, Express.co.uk đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Chris Smith, một nhà tư vấn y tế tại Đại học Cambridge. Trong cuộc nói chuyện này, ông đã giải thích một cách khoa học về cách thức và lý do tại sao các virus đường hô hấp, bao gồm cả SARS-CoV-2, có thể đột biến.

Tại sao virus đường hô hấp có khả năng đột biến?

Tất cả sự sống trên Trái đất đều có khả năng đột biến bởi vì "các vật chất di truyền trong gen với mục đích tạo ra sự sống đều có xu hướng bị lỗi sau mỗi lần nhân bản".

SARS-CoV-2 sử dụng một dạng vật chất di truyền thậm chí còn bị lỗi nhiều hơn được gọi là axit ribonucleic (RNA) - một nhánh hóa học của axit deoxyribonucleic (DNA) được tìm thấy ở người.

Mỗi lần RNA tạo ra một bản sao của chính nó (một ai đó bị lây nhiễm), đôi khi một "lỗi di truyền" sẽ xảy ra. Và vì một số lượng lớn người đang bị nhiễm Covid-19, nguy cơ xảy ra một trong những "lỗi di truyền" này sẽ trở nên cao hơn rất nhiều.

Coronavirus có dễ đột biến không?

Theo Tiến sĩ Smith, câu trả lời là không. Trên thực tế, so với các loại virus khác như norovirus, coronavirus nói chung không bằng. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 hiện tại, đặc biệt là biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao, nên nguy cơ nó đột biến là rất cao.

Ông nói: "Với số lượng ca bệnh nhiều như hiện nay thì khả năng đột biến của virus là không thể tránh khỏi". 

Chuyên gia BBC chia sẻ về tương lai của đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Theo Tiến sĩ Smith, coronavirus không gây đột biến tốt bằng các loại virus khác (Ảnh: GETTY)

Có những yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ đột biến?

Tiến sĩ Smith nhắc đến khái niệm mà các nhà khoa học gọi là "áp lực đột biến". Về bản chất, điều mà thuật ngữ này mô tả là tất cả các loại virus đều có thể đột biến hoặc thay đổi. Nhưng nếu những thay đổi đó không mang lại lợi ích gì cho virus thì chúng sẽ không đột biến.

Ở đây, Tiến sĩ Smith đã sử dụng ví dụ về vaccine để giúp giải thích điều này. Ông nói: "Nếu mọi người tiêm chủng đầy đủ, tất cả nhân loại đều có kháng thể ngăn chặn virus theo một mức độ nhất định thì khả năng một loại đột biến virus khác sẽ xuất hiện, chúng sẽ biến đổi để có thể lây nhiễm cho chúng ta. Luôn có những đột biến nhất định, tuy nhiên chúng sẽ không phát triển thêm trừ khi xuất hiện những áp lực nào đó buộc chúng phải thay đổi để thích nghi".

Các virus đường hô hấp có khả năng đột biến vô hạn không?

Mặc dù virus có thể đột biến nhưng chúng vẫn có giới hạn. Điều này là do nếu một virus thay đổi quá nhiều thì nó sẽ không còn giống như ban đầu nữa.

Tiến sĩ Smith cho biết: "Virus có một mức độ hạn chế về khả năng hoạt động sau khi thay đổi, vì vậy vẫn có một giới hạn. Chẳng hạn như so với biến thể Delta, biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng độc lực lại không bằng".

Liệu còn nhiều biến thể Covid-19 nữa không?

Tiến sĩ Smith thừa nhận rằng sẽ có nhiều biến thể hơn, tuy nhiên ông cũng tin rằng chúng ít "gây chết người" hơn các chủng mà chúng ta đã thấy.

Ông nói: "Điều khiến tôi tự tin nhất chính là bởi vaccine vẫn đang hoạt động rất tốt chống lại các chủng mới xuất hiện. Khả năng miễn dịch giúp làm giảm số ca bệnh nặng và tử vong chính là những gì mà chúng ta cần".