Thách thức và ấn tượng
Năm 2021, vượt qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp đã về đích trước thời hạn một cách ngoạn mục, xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục với 48,6 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ để đạt được kết quả ấn tượng này?
- Nếu ở thời điểm tháng 8, tháng 9, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi ngành hàng bị đứt gãy, việc sản xuất, vận chuyển, chế biến khó khăn khiến hệ thống phân phối bị ngưng trệ, thị trường bị đứt gãy, không hình dung nổi ngành nông nghiệp sẽ vượt qua, hoàn thành chỉ tiêu, lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Kết quả này nói lên sự năng động, thích ứng, nhanh nhạy không chỉ trong bộ máy quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương mà còn thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng nhằm kết nối, giữ vững thị trường.
Hàng chục triệu hộ nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn tạo ra được lượng nông sản lớn, giúp ngành nông nghiệp lấy được đà phục hồi nhanh, đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Các tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT đã có nhiều sáng kiến, giải pháp phù hợp, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ chế biến.
Trong điều kiện mỗi địa phương có những quy định khác nhau trong phòng chống dịch thì vai trò kết nối, điều phối của các tổ công tác là rất quan trọng, từ đó mang lại kết quả chung, khẳng định vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp.
Trong năm 2021, sự kiện nào để lại dấu ấn sâu sắc nhất cho Bộ trưởng?
- Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong năm qua, đó là sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội và phòng, chống dịch thiếu thống nhất. Thậm chí, nhiều địa phương có sự lúng túng do đại dịch chưa có tiền lệ.
Nỗi ám ảnh thứ hai là "cơn bão" giá vật tư đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao. Chính vì giá vật tư tăng cao nên cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Chúng ta nhập khẩu chủ yếu là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Điều đó nói lên hai điều. Một là, chuỗi cung ứng của nền nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng, vì chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường.
Từ các cơ quan quản lý trung ương đến địa phương chủ yếu là chỉ đạo sản xuất mà chưa quan tâm xúc tiến thị trường, chưa quan tâm đầu tư chuỗi logistics cả trong nước và nước ngoài.
Thứ hai, từ câu chuyện vật tư nông nghiệp tăng giá, chúng ta cũng thấy thế giới sau đại dịch rất chông chênh. Do đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, nền nông nghiệp sản lượng cao mà chi phí cũng cao.
Bởi vậy, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, giá trị gia tăng không tỷ lệ thuận với những con số tăng trưởng về giá trị xuất khẩu nông sản. Thu nhập của người nông dân tưởng chừng tăng mà không tăng tương xứng. Hai vấn đề lớn trên đã bộc lộ rõ qua bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Năm 2021, dự kiến giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, vậy Bộ NNPTNT có đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 cao hơn hay không?
- Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát.
Nghĩa là, chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chúng ta chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường, kể cả cách thúc đẩy xuất khẩu vào từng thị trường.
Đa phần sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sang thị trường nước ngoài là phục vụ người gốc Á sinh sống ở quốc gia đó, chứ chưa thâm nhập vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn ở các quốc gia.
Bởi vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhanh, nhưng chưa có tính bền vững. Ví dụ, chúng ta thấy giá nhãn, vải thiều trên quầy kệ ở Nhật Bản và Mỹ có giá cao ngất ngưởng, chúng ta cảm thấy vui và tự hào. Nhưng thực ra, chi phí logistics đã chiếm phần lớn rồi.
Hiện, Bộ NNPTNT đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.
Chúng ta phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nếu nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Kể cả các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào, để tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.
Sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian.
Chúng tôi đã bàn với các hãng hàng không Bambo Airways và Vietjet Air, cơ bản các doanh nghiệp đồng ý giảm chi phí vận chuyển cho nông sản xuất khẩu. Khi đề án xuất khẩu nông sản bền vững được triển khai, tôi nghĩ chúng ta không chỉ xuất khẩu được 48,6 tỷ USD, mà còn cao hơn và vững chắc hơn.
Bộ trưởng đã nhiều lần nêu quan điểm: Ngành nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong năm 2022, tư duy này sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
-Mục tiêu của nền nông nghiệp đi theo tư duy sản xuất nông nghiệp là tạo ra giá trị cao hơn. Trong tam giác phát triển Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, mỗi bên phải liên kết, hỗ trợ, tạo ra không gian phát triển chung, bổ sung sức mạnh, sử dụng lợi thế của nhau. Khi Bộ NNPTNT phát đi tín hiệu này, các doanh nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình.
Tôi cho rằng, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải mang hơi thở cuộc sống, cộng hưởng với tư duy thị trường của doanh nghiệp, với sản xuất của nông dân thì khi đó chính sách mới thành công.
Nếu chính sách trong phòng lạnh, còn nông dân ở ngoài đồng thì sẽ có sự khập khiễng trong thực tiễn. Doanh nghiệp cũng không cần phải đợi chờ chính sách hỗ trợ mà hãy khuyến nghị chính sách thông qua những cách làm thực tế.
Năm 2021, nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp thì đó là từ: BIẾN. Nhưng qua sự biến động, chúng ta cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.
Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!