Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) cho biết, trước đòi hỏi mới của nền kinh tế nông nghiệp, TTKNQG đã xây dựng đề án đổi mới công tác khuyến nông, với 6 nhóm vấn đề cần đổi mới: Bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, gần đây nhất là Nghị định 83/2018/NĐ-CP; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông Việt Nam, trong đó xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao và hệ thống khuyến nông cơ sở.
Đổi mới các nội dung hoạt động khuyến nông; Đổi mới hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; Chuyển đổi số mạnh mẽ; Tăng cường năng lực cho hoạt động khuyến nông.
"Ví dụ, về công tác đào tạo huấn luyện, phải nhìn nhận lại. Trong khi thế giới thay đổi hàng ngày hàng giờ, thì chúng ta phải thay đổi toàn diện công tác đào tạo của khuyến nông. Khuyến nông có đặc thù riêng, không phải đào tạo nghề, cũng không phải đào tạo kiến thức, mà tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cán bộ khuyến nông phải nhận thức được thế nào là thay đổi tư duy?
Theo đó, cần đa dạng hóa hình thức đào tạo, nhanh nhạy, thời thượng, cập nhật yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nếu như trước đây chỉ trông chờ giáo trình của các viện, trường, thì bây giờ phải biến các kinh nghiệm của doanh nghiệp, nông dân thành giáo liệu, phục vụ đào tạo" - ông Thanh nhấn mạnh.
Đóng góp vào đề án này, ông Ngô Nhân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk cho biết: Muốn đổi mới, nhưng chế độ đầu tư cho con người như thế nào? Thực tế đầu tư rất hạn chế. 2 năm vừa qua, chúng tôi hoạt động trên tinh thần muốn đổi mới con người, nội dung hoạt động nhưng xuống địa phương thì có nơi, kinh phí dành cho khuyến nông gần như con số 0. Muốn làm mà "lực bất tòng tâm".
Bà Vũ Thị Hương – Giám đốc TTKN Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ: "Hiện nay phụ cấp cho cán bộ khuyến nông mỗi nơi một kiểu và rất thấp. Ví dụ, khuyến nông Hà Nội chỉ được 0,8 hệ số; một số nơi thì được 1 – 1,5 hệ số. Tên gọi tổ chức khuyến nông cũng nhiều nơi khác nhau, mỗi nơi làm một kiểu khiến cán bộ khuyến nông không yên tâm với công việc. Do đó đề nghị khi thực hiện đề án đổi mới thì cùng thống nhất cả về phụ cấp cũng như tên gọi tổ chức khuyến nông".
Ông Lê Tân Phong – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai thông tin, trước đây, các mô hình khuyến nông rất hiệu quả, nhưng khi tham gia sản xuất hàng hóa, hội nhập toàn cầu thì các mô hình trước đây dần không thích hợp nữa, vì vậy dẫn đến vai trò của khuyến nông bị mờ nhạt. Từ thực tế này, chúng ta có thể tính toán, xây dựng mô hình khuyến nông phù hợp, nhằm thể hiện sức mạnh của đội ngũ.
"Hiện không có hệ thống khuyến nông cơ sở thì rất là gay go. Tuy nhiên trong đề án đổi mới hoạt động khuyến nông hiện nay, chúng ta chưa có lộ trình rõ ràng" - ông Phong nếu vấn đề.
Theo ông Phong, trong bối cảnh mới hội nhập sâu rộng với toàn cầu, với các hiệp định thương mại thế hệ mới, phải xác định rõ vai trò của khuyến nông khi tham gia vào hệ sinh thái nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái theo từng vùng. Xây dựng mô hình khuyến nông kiểu mới không chỉ là sản xuất, kỹ thuật mà phải là mô hình kinh tế kiểu mới, kết hợp bao tiêu.
Hiện nay khuyến nông đã tham gia xây dựng một số sản phẩm OCOP, nhưng đối với vùng nguyên liệu lớn, thì khuyến nông chưa hình dung được.
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc TTKN Hải Dương chia sẻ, thời gian qua TTKN Hải Dương đã liên tục "làm mới" mình bằng các hoạt động thiết thực, đó là hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản. Tổ chức 5 diễn đàn, sự kiện chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, qua đó kí kết được hơn 20 hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp và các tỉnh như TTKN Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, kí kết với các sàn thương mại điện tử như Postmart. Tổ chức 5 lớp chuyển đổi số trong nông nghiệp cho đội ngũ khuyến nông, ban quản trị HTX. Đến nay Hải Dương đã đưa được hơn 300 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên bà Đào cũng đề nghị TTKNQG có văn bản tham mưu với Bộ NNPTNT sớm ban hành hướng dẫn hoạt động; tăng cường nguồn lực cho khuyến nông địa phương xây dựng mô hình; tạo điều kiện cho các địa phương ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, xây dựng dữ liệu cho ngành nông nghiệp...
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết dù mới được Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao phụ trách mảng khuyến nông từ đầu năm 2022, song ông rất đồng cảm với các cán bộ khuyến nông trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả, gia tăng giá trị, tinh giản bộ máy nhưng vẫn phải đổi mới và hoạt động hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nam, muốn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp phải có khuyến nông, đó là những người gần dân nhất để cùng bà con tham gia sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn ngành nghề, thông tin tư vấn… Đối với vấn đề tin gọn bộ máy, hiện 19 tỉnh đã sáp nhập khuyến nông cấp huyện, nhưng chúng ta vẫn bị băn khoăn ở chỗ tương lai thế nào? Thực tế, Nghị định 02, sau đó là Nghị định 83 đều đã có quy định về hệ thống khuyến nông. Quan trọng là tìm ra con đường tốt nhất để hoạt động, mô hình hiệu quả nhất cho khuyến nông cấp cơ sở" - Thứ trưởng Nam nói.
Nhấn mạnh khuyến nông là đơn vị sự nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: "Quan điểm của Bộ NNPNTT là vẫn giữ bằng được hệ thống khuyến nông, điều cần làm bây giờ là đổi mới như thế nào để tồn tại. Đề nghị các địa phương còn rắc rối chỗ nào, gửi đề nghị về TTKNQG để Bộ tiếp tục có hướng dẫn, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khuyến nông. Bộ sẽ sẵn sàng gỡ rối cho các đồng chí".
"Phải khẳng định, lực lượng khuyến nông đảm đương được hết các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị định 83. Nên chăng, cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị ở cấp huyện với nhau, thực tiễn sẽ cho thấy mô hình nào hiệu quả.
Khuyến nông phải bám sát cơ sở, đồng hành cùng bà con, đa dạng hoạt động, phải tạo điều kiện cho khuyến nông làm dịch vụ để sống được với nghề. Bên cạnh các hoạt động phục vụ an sinh xã hội, phục vụ vùng còn khó khăn, khuyến nông cần chú trọng liên doanh liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức để tạo nguồn lực… Đã có cán bộ khuyến nông ở Kiên Giang kiếm được cả trăm triệu khi làm dịch vụ thành công" - Thứ trưởng Nam thông tin.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm: "Đừng nghĩ đổi mới phải là việc gì đao to búa lớn. Chúng ta quán triệt đổi mới theo hướng làm sao đem lại hiệu quả vật chất, tinh thần tốt hơn cho hệ thống khuyến nông cũng như đem lại lợi ích cho nền nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các chương trình truyền thông đa dạng, cùng Cục Kinh tế hợp tác xây dựng bộ tài liệu đào tạo nông dân công nghệ số, nâng cao kiến thức nhiều mặt cho bà con".