Đưa những người làm khuyến nông trở thành người giàu có
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Đưa những người làm khuyến nông trở thành người giàu có
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 20/01/2022 16:52 PM (GMT+7)
Nhấn mạnh tại Hội nghị Đổi mới công tác khuyến nông tổ chức chiều 20/1, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, khuyến nông giai đoạn tới phải đặc biệt chú trọng đến phát triển các loại hình tư vấn, dịch vụ; xã hội hóa khuyến nông, đưa những người làm khuyến nông trở thành người giàu có.
Đưa những người làm khuyến nông thành người giàu có
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) chia sẻ, nói tới khuyến nông, chúng ta cần phải hiểu đó không chỉ là TTKNQG mà là cả hệ thống, 63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có TTKN hoặc các đơn vị đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hoạt động khuyến nông, các trạm khuyến nông huyện, hệ thống mạng lưới khuyến nông thôn xã,…
Nói như vậy để thấy hệ thống khuyến nông là một trong những lĩnh vực có đội ngũ vô cùng hùng hậu, với khoảng 35.000 cán bộ, cộng tác viên. Với gần 30 năm phát triển, hệ thống khuyến nông đã khẳng định được vai trò, thương hiệu của mình đối với nền nông nghiệp, tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sag nền kinh tế nông nghiệp, hệ thống khuyến nông cần phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu đó.
Đặc biệt là trước tình hình hệ thống khuyến nông đang bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã họp với TTKNQG để tìm giải pháp làm thế nào khơi dậy hệ thống, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông. Tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều đơn vị xin được tham gia vào đề án khuyến nông cộng đồng.
Với tất cả tâm huyết, sự chuẩn bị trong thời gian qua, ông Thanh cho biết TTKNQG đã xây dựng đề án đổi mới công tác khuyến nông, với 6 nhóm vấn đề cần đổi mới: Bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, gần đây nhất là Nghị định 83/2018/NĐ-CP; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông Việt Nam, trong đó xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao và hệ thống khuyến nông cơ sở; Đổi mới các nội dung hoạt động khuyến nông; Đổi mới hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; Chuyển đổi số mạnh mẽ; Tăng cường năng lực cho hoạt động khuyến nông.
"Việc tăng cường năng lực của hệ thống rất quan trọng, và vấn đề này phải là trách nhiệm của chính trung tâm khuyến nông các tỉnh, hệ thống khuyến nông địa phương, bởi nếu xóa đi sau này khôi phục lại là hết sức khó khăn. Cần quan tâm hơn nữa tới điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, phòng làm việc… Cố gắng theo hướng không tăng biên chế, nhưng tăng chất lượng" - ông Thanh nói.
Với những yêu cầu đó, việc xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới phải thành thạo những kĩ năng để kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất; trang bị, xây dựng những mô hình hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng.
Ông Lê Quốc Thanh cho biết: Hiện có những nơi tư vấn khuyến nông thành lập HTX mới, có nơi thành lập tổ tư vấn cho các HTX hiện có; chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tư vấn, kết nối các dịch vụ liên quan đến thị trường, như chứng nhận, xây dựng quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc, dịch vụ kết nối thị trường; tư vấn và thực hiện chuyển đổi số… Bản chất đó vẫn là hoạt động khuyến nông. Riêng vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông, chúng tôi đã xây dựng 1 đề án, mời nhiều doanh nghiệp tư vấn cho khuyến nông chuyển đổi số như thế nào, xây dựng phần mềm, giải pháp để chia sẻ với các địa phương…".
Cũng theo ông Thanh, một trong những hoạt động xuyên suốt của khuyến nông chính là thông tin tuyên truyền, trong đó có nhiều hoạt động đã trở thành thương hiệu của khuyến nông, như Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, kết nối thông tin tuyên truyền với các cơ quan thông tấn, báo chí theo hướng đa dạng hình thức, nội dung...
"Về công tác đào tạo huấn luyện, phải nhìn nhận lại. Trong khi thế giới thay đổi hàng ngày hàng giờ, thì chúng ta phải thay đổi toàn diện công tác đào tạo của khuyến nông. Khuyến nông có đặc thù riêng, không phải đào tạo nghề, cũng không phải đào tạo kiến thức, mà tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cán bộ khuyến nông phải nhận thức được thế nào là thay đổi tư duy?
Đa dạng hóa hình thức đào tạo, nhanh nhạy, thời thượng, cập nhật yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nếu như trước đây chỉ trông chờ giáo trình của các viện, trường, thì bây giờ phải biến các kinh nghiệm của doanh nghiệp, nông dân thành giáo liệu, phục vụ đào tạo" - ông Thanh nhấn mạnh.
Đối với hoạt động xây dựng các dự án, mô hình, trước đây chủ yếu tập trung chuyển giao kỹ thuật, thì ông Thanh cho rằng bây giờ sẽ phải dành nguồn lực cho những câu chuyện lớn lao hơn, phải có sự tích hợp, liên kết với HTX, góp phần xây dựng thành vùng nguyên liệu lớn có sự kết nối với thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nền nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế thì các mô hình khuyến nông phải tích hợp các tư duy đó, theo hướng nâng cao giá trị. Theo đó, các hoạt động đào tạo, truyền thông sẽ xoay quanh mô hình đó, đồng thời chú trọng kết nối với văn hóa, du lịch cộng đồng…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng của khuyến nông giai đoạn tới cũng phải đặc biệt chú trọng đến phát triển các loại hình tư vấn, dịch vụ; xã hội hóa khuyến nông, đưa những người làm khuyến nông trở thành người giàu có. Theo đó, phải kết nối được với doanh nghiệp, nông dân, để thu phí từ các hoạt động khuyến nông sinh lời.
Làm được điều này phải có cơ chế, hành lang pháp lý, xã hội hóa nguồn lực chứ không chỉ dựa vào ngân sách nữa. Hiện đã có nhiều địa phương khai thác được kinh phí từ xã hội hóa nhờ các hoạt động dịch vụ do khuyến nông triển khai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.