Dân Việt

Lý do Putin lẫn Biden không ai có thể nhường ai trong cuộc chiến 'giành giật' Ukraine

Phương Đăng (theo CNN) 22/01/2022 14:00 GMT+7
Cuộc chiến tâm lý giữa Tổng thống Putin và Biden về vấn đề Ukraine đang nhanh chóng tiến đến điểm mà có vẻ một lối thoát hòa bình khỏi cuộc khủng hoảng với người Mỹ hay người Nga có thể là điều bất khả thi, theo CNN.
Lý do cả Putin lẫn Biden 'không ai chịu nhường ai' trong cuộc chiến 'giành giật' Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Putin và Biden được cho là sẽ không ai chịu nhường ai trong cuộc chiến "giành giật" Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden - đại diện cho toàn bộ sức mạnh biểu tượng của liên minh phương Tây - đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin - người đang dùng Ukraine làm con bài mặc cả để cố gắng buộc Mỹ phải đàm phán lại các thỏa thuận an ninh đã được định hình sau Chiến tranh Lạnh.

Theo CNN, cả Biden lẫn Putin - không một người đàn ông nào có ý định nhượng bộ. Nhượng bộ có thể là không khả thi, vì cả hai đều đã đặt cược uy tín chính trị to lớn vào "ván cờ" Ukraine này.

Theo CNN, 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đang "đấu tay đôi" với nhau để thử thách ý chí lẫn nhau. Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể gây ra cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Còn phản ứng của Biden sẽ quyết định uy tín của phương Tây, sức mạnh toàn cầu của Mỹ...

Trong nỗ lực rút chân khỏi bờ vực "chiến tranh", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp nhau tại Geneva hôm 21/1 để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Khi cuộc họp ở Geneva bắt đầu, ông Lavrov nói với ông Blinken rằng Moscow "không mong đợi một bước đột phá" ở các cuộc đàm phán nhưng mong chờ "câu trả lời cho các đề xuất của chúng tôi" từ Mỹ.

Mỹ tất nhiên sẽ không chấp nhận các yêu cầu mà Nga đưa ra vì điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến NATO. Nhưng những lời đe dọa của Mỹ về các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine dường như cũng sẽ không khiến Putin lùi bước.

Chính phủ Kiev cho biết Nga gần như đã hoàn thành việc tập trung các lực lượng vũ trang ở biên giới với Ukraine cho một cuộc xâm lược toàn diện nước này "bất kỳ lúc nào".

Kiev cho biết, Nga hiện duy trì khoảng hơn 130.000 quân ở biên giới với Ukraine, lớn hơn con số 100.000 quân mà Mỹ và phương Tây ước tính. Ông Putin đang khiến thế giới phải đoán già đoán non về ý định của ông đối với Ukraine.

Đó chính xác là điều mà ông chủ Điện Kremline muốn. Một số nhà phân tích tin rằng, nhà lãnh đạo Nga đang tạo ra mối đe dọa xâm lược Ukraine để giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Những người khác cho rằng, ông Putin "làm căng" với Ukraine là để củng cố quyền lực ở trong nước. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, ông Putin cũng có thể cảm thấy sự yếu kém ở Mỹ và sự chia rẽ ở châu Âu hiện nay và cho rằng đây chính là lúc bóp chết hy vọng của Ukraine về một tương lai thân phương Tây.

Bị Mỹ khước từ các yêu sách, có vẻ như không có khả năng Putin sẽ rút quân vì điều này sẽ tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của ông. Nhưng Putin không phải là người duy nhất chịu sức ép chính trị lớn mà Biden cũng vậy.

Một cuộc xâm lược tiềm năng của Nga không chỉ gây ra thách thức nghiêm trọng đối với châu Âu - vốn vẫn dựa vào Mỹ với tư cách là người bảo hộ an ninh. Nó cũng tạo ra một cơn đau đầu về chính sách đối ngoại cho một nhiệm kỳ mà vốn Tổng thống Biden đã đang quay cuồng trong một loạt các cuộc khủng hoảng trong nước lẫn ngoài nước với Iran, Trung Quốc...

Hơn bất cứ ai, phản ứng của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ bị Đài Loan và Trung Quốc - đối thủ lớn nhất hiện tại của Mỹ theo dõi chặt chẽ.

Do đó, Biden cũng như Putin sẽ không ai muốn mình thua trong cuộc thử thách về ý chí trong những ngày căng thẳng sắp tới.