Căng thẳng Ukraine-Nga: Mỹ đã xuống thang?

Tuấn Anh (Theo RT) Thứ bảy, ngày 22/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Các cuộc đàm phán tại Geneva chứng kiến ​​các nhà ngoại giao thảo luận về các yêu cầu của Moscow trong việc hạn chế sự mở rộng của NATO.
Bình luận 0
Căng thẳng Ukraine-Nga: Mỹ đã xuống thang? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng hai nước Nga-Mỹ tại cuộc họp báo chung ngày 21/1. Ảnh Reuters

Mỹ đã cam kết trả lời bằng văn bản về các đảm bảo an ninh do Nga đề xuất, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã thông báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 21/1..

Phát biểu với các nhà báo ngay sau cuộc họp tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ , Ngoại trưởng Lavrov cho biết phía Mỹ đã đưa ra quan điểm ban đầu về hai dự thảo hiệp ước do Điện Kremlin xây dựng. " Ông Blinken nói với tôi rằng ông ấy hài lòng với cuộc trao đổi mà chúng tôi đã có và ông  ấy đảm bảo với chúng tôi, sẽ đưa ra phản hồi bằng văn bản vào tuần tới", ông Lavrov nói. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng nói thêm, hiện tại "phản ứng của họ (Mỹ) chỉ là sơ bộ - chúng tôi đã được cảnh báo về điều này".

Khi được hỏi liệu Nga có định công bố câu trả lời hay không, nhà ngoại giao hàng đầu cho biết câu hỏi là dành cho Blinken và phía Mỹ. Ban đầu, Moscow đã đưa ra các đề xuất và ý định tổ chức các cuộc đàm phán công khai.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng nói thêm rằng yêu cầu Ukraine không được gia nhập NATO không phải là dấu hiệu Nga đang tìm cách khẳng định quyền kiểm soát đối với "vùng ảnh hưởng", mà là nỗ lực ngăn khối này "gieo mầm" xung đột ở Đông Âu.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cho biết phía Mỹ đã cam kết giúp thực hiện các thỏa thuận Minsk, nhằm chấm dứt xung đột ở khu vực Donbass của Ukraine. Moscow trước đó đã cáo buộc Kiev coi thường hiệp ước, được ký kết vào năm 2014, bằng cách từ chối tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo ly khai của hai nước cộng hòa tự trị tự xưng ở Donetsk và Lugansk. Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố rằng các khu vực ly khai là ủy thác của Nga và nhấn mạnh rằng ông nên gặp Tổng thống Vladimir Putin".

Trước các cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Blinken cảnh báo rằng cơ hội đạt được tiến bộ đáng kể là rất nhỏ. Ông nói: "Tôi không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào, và cho rằng cuộc gặp sẽ là cơ hội để xem Nga đã rút ra kết luận gì từ những cuộc tiếp xúc ngoại giao này".

Cuộc gặp của hai ngoại trưởng Nga-Mỹ là cuộc hội đàm mới nhất trong một loạt các cuộc họp ngoại giao được tổ chức sau khi Nga đưa ra hai đề xuất riêng biệt, một đề xuất với Washington và đề xuất còn lại gửi tới NATO, mà nước này cho rằng sẽ giảm nguy cơ xung đột trên lục địa châu Âu.

Trong số các đề xuất có yêu cầu rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu phải đưa ra các văn bản đảm bảo rằng họ sẽ không mở rộng thêm về phía biên giới của Nga, ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai. Ngoài ra, Nga khẳng định NATO nên kiềm chế hoạt động quân sự trên lãnh thổ của các quốc gia thuộc Khối Warszawa trước đây tham gia sau năm 1997, sau khi Liên Xô tan rã.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg,đã chỉ trích các yêu cầu của Moscow, nói rằng nước này không có quyền phủ quyết đối với các nỗ lực tham gia của Ukraine và khẳng định sẽ không chấp nhận một hệ thống thành viên "hai cấp" ngăn cản việc triển khai quân đội ở một số quốc gia nhất định.

Nga khẳng định các biện pháp là cần thiết để tránh xung đột, trong đó Tổng thống Vladimir Putin nói rằng phương Tây đã "lừa dối" Nga bằng cách đưa ra những lời đảm bảo vào những năm 1990 rằng khối sẽ không mở rộng sang không gian do Liên Xô sụp đổ. Ba Lan, Bulgaria, Romania và các nước Baltic sau đó đã được kết nạp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem