Hai vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành ở TP.HCM và bé 3 tuổi nghi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu ở Hà Nội đang khiến dư luận phẫn nộ vì tình trạng bạo hành với những đứa trẻ non nớt, chưa đủ sức bảo vệ bản thân. Thế nhưng mới đây, mọi người lại bàng hoàng trước tin nữ sinh sát hại cha bằng xyanua rồi tạo hiện trường giả ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại cơ quan công an, nữ sinh 21 tuổi Tống Thị Tùng Linh khai nhận lý do dẫn đến việc tìm cách đầu độc chết cha ruột là vì bị cha thường xuyên uống rượu chửi mắng, đối xử không tốt với mẹ con Linh khiến mẹ cô bỏ đi.
Thời gian trước Linh đi học ở TP.HCM nên ít khi bị cha chửi mắng nhưng do dịch Linh về ở nhà cùng cha mẹ nên bị áp lực về tinh thần. Do đó khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, Linh đã nảy sinh ý định sát hại cha nên lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu về chất độc xyanua và quyết định đi đến TP.HCM để mua chất độc về giết cha.
Liên quan đến những vấn đề trên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: "Nếu chỉ dựa vào lời khai trong vụ này thì chưa xác định được chính xác nhưng có thể hiểu từ một số nguyên nhân gây ra bạo hành, đây giọt nước tràn ly. Hai là ở trong tình huống nào đó mỗi người có giới hạn không vượt qua được thì ông bố vi phạm giới hạn đó. Hay hành động đó là để trả thù cho người khác.
Hành động của Linh phải chịu án trước pháp luật nhưng chúng ta thấy thực trạng nếu cha mẹ dùng bạo lực với con sẽ nhận lại được như thế. Sự ấm ức của con người càng nhiều, không có cơ hội giải tỏa thì đến lúc nào đó dồn nén lại trở thành hành vi mất kiểm soát không tưởng tượng được".
PGS Thành Nam lý giải: "Thực tế chúng ta nhìn thấy bạo lực di truyền theo cơ chế xã hội. Hành vi bạo lực của mỗi người bị lan truyền qua người khác bằng những khuôn mẫu hành vi xấu. Bản thân đứa trẻ khi bị trừng phạt quá mức, không công bằng theo quan điểm "yêu cho roi vọt" ngay từ nhỏ khiến đứa trẻ dần ấm ức.
Ngày nay, quyền trẻ em được ký, luật bảo vệ trẻ em đã được lan tỏa nhiều nên các em cũng nắm được thông tin. Tuy nhiên, khi thử một số cách thức để tìm kiếm sự trợ giúp thì sự tìm kiếm đó không đến, không kịp thời, thậm chí hậu quả còn nặng nề hơn. Vì vậy những đứa trẻ đó đã tìm cách bỏ đi, tự tử để giải thoát hoặc tìm đến cách thức khác để chấm dứt bạo lực là "trả đũa" lại là giết bố mẹ để không gây hại nữa.
Với vụ nữ sinh 21 tuổi sát hại cha, có nhiều tình tiết nhưng chúng ta chỉ nhìn được ở thời điểm hiện tại, là bề nổi tảng băng chìm...
Nhiều phụ huynh không biết cách làm cha mẹ, không kiểm soát cảm xúc thì con lớn lên dạy sang cháu mình như vậy. Thế nên thế giới hiện nay không chú trọng IQ mà chú trọng EQ vì dù có giỏi nhưng không kiểm soát cảm xúc, rơi vào tình huống khủng hoảng, không có giá trị sống vững chắc thì dù học hàm học vị cao cũng lệch chuẩn".
Chia sẻ thêm về việc nhiều người cho rằng nữ sinh quá dã man vì đã 21 tuổi, PGS Thành Nam cho rằng, độ tuổi không đồng nghĩa với việc chín chắn hay không chín chắn. Tuổi sinh học không đồng nghĩa với trưởng thành về xã hội. Đứa trẻ bị bạo hành từ nhỏ nhiều quá thì mức độ nhẫn tâm vô cảm càng cao.
Cuối cùng, PGS Thành Nam nhấn mạnh: "Chúng ta cần học thật, thi thật nhưng trước đó phải sống thật với nhau. Bố mẹ, con cái, thầy cô phải giữ đúng vai trò vì hiện tại chúng ta đối xử với nhau chỉ là bề nổi còn phía sau thì có nhiều ấm ức. Có thể nguyên nhân do sự bất công, không hiểu rõ hoặc do nhận thức của mỗi người. Trong bối cảnh xã hội hiện tại khủng hoảng thì tác động lại càng mạnh hơn. Đặc biệt, tôi muốn nói đến những vấn đề như dịch vụ chăm sóc tâm lý, sức khỏe tâm thần hệ thống giáo dục, tiền sản, phòng chống trầm cảm sau sinh... chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa. Thực tế cho thấy thực tiễn xã hội phát triển nhanh nhưng chính sách không phát triển theo kịp".