Rừng phòng hộ huyện Phú Tân (Cà Mau) có diện tích 2.637 ha, trải dài trên 37 km thuộc địa phận các xã: Nguyễn Việt Khái, Tân Hải, thị trấn Cái Ðôi Vàm...
Khu vực này có 65 hộ nuôi ốc len trên diện tích 108 ha, riêng khu vực cửa biển Cái Ðôi Vàm có 36 hộ nuôi, mỗi năm thu hoạch vài chục tấn ốc len thương phẩm xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Khu nuôi ốc len trong rừng phòng hộ của anh Quách Phi Long, ông Trương Văn Hồng, bà Tạ Kim Hiền ở thị trấn Cái Ðôi Vàm, anh Nguyễn Văn Thống ở xã Tân Hải..., mỗi hộ đầu tư nuôi từ 2-3 tấn ốc giống trên rừng thuê khoán, lãi trên 80 triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.
Anh Thống cho biết: “Ốc len sống dưới mặt đất, khi nước ròng, chúng ẩn mình dưới các rễ mắm tránh nắng, khi nước lớn thì bò lên thân cây. Gọi là nuôi, nhưng thực tế công chăm sóc rất nhẹ nhàng, chỉ cần bao lưới xung quanh, đừng cho ốc bò đi nơi khác là được.
"Thức ăn của ốc len là các loài tảo do phù sa của biển được thuỷ triều đưa vào dưới tán rừng, nên nuôi ốc len cực kỳ mau lớn, chỉ vài tháng là bán được. Thu hoạch cũng rất đơn giản, khi nước lớn, chúng bò lên bám dày đặc thân cây bắt rất dễ dàng, hốt nhẹ cũng đầy một nắm tay”, anh Thống nói thêm.
Qua hơn 5 năm thực hiện phương án thuê quản lý, bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), người dân cùng với ngành chức năng huyện giữ được rừng phòng hộ, bà con có thu nhập ổn định trên 90 triệu đồng/năm/hộ.
Hiện ốc len thương phẩm thương lái thu mua giá từ 60.000 đồng/kg trở lên; bình quân 1 ha đất rừng nuôi ốc len, người dân thu lãi trên 15 triệu đồng/vụ.
Ốc len sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao, chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như ốc len xào dừa, luộc sả…