Sau khi bị bắn, bẫy đã được bán cho các đại lý thu mua, tích trữ đông lạnh ở các nhà kho phân tán, tại các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, trước khi được "cung ứng siêu lợi nhuận" đến các vùng đô thị để tiêu thụ.
Bẫy thú buôn công khai trong chợ nhưng chưa có chế tài xử lý
Ở chợ trung tâm xã Pú Luông, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái bẫy thú rừng lớn, nhỏ được bày bán công khai. Những chiếc bẫy "đánh" được cả những con thú lớn trên 1 tạ có thể khiến bất cứ ai trông thấy cũng phải rùng mình. Người dân không may "dính" bẫy có thể gẫy chân, thậm chí bỏ mạng trong rừng.
Dù bẫy thú là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng suy giảm số lượng động vật rừng ở nhiều nơi trên nước ta trong thời gian dài qua. Chúng là công cụ để tàn sát thú rừng. Nhưng theo ông Trần Xuân Dưỡng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái): "Hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý việc buôn bán và sử dụng bẫy thú rừng".
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào mùa bà con thu hoạch lúa, ngô, sắn là lúc thú hoang từ các khu rừng già kéo đến các nương rẫy hoa màu của bà con để kiếm ăn. Đó là thời điểm các thợ săn ra quân, họ cho rằng, khi đó, thú rừng sẽ béo nhất. Cân nạng tốt nhất, bán được nhiều tiền nhất. Đó cũng là mùa Tết nhất, khi mà người ta hay sưu tầm đồ rừng về phục vụ đại tiệc, như một thứ thói quen xấu cần phải sửa!
Bà con sinh sống ở các tỉnh miền núi đã tìm nhiều cách để săn bắt thú rừng, từ đó các đường dây buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm nở rộ.
Việc sử dụng súng săn là vi phạm pháp luật, quy định về việc cấm sử dụng súng săn đã ra đời và được thực thi từ cách nay gần 20 năm. Nên thời gian gần đây người dân khá e ngại khi vác súng vào rừng, họ chủ yếu sử dụng bẫy, lưới để bắt thú. Ở các tỉnh miền núi thì các hình thức bẫy thú được sử dụng nhiều nhất là dây phanh xe đạp, dây cáp, bẫy kẹp, bẫy lồng,…
Mỗi loại bẫy được sản xuất ra để bẫy những loài thú khác nhau, với tập quán và cân nặng khác nhau. Đặc biệt là bẫy được làm bằng sắt, thép đã gần như thay thế hoàn toàn bẫy làm bằng tre, nứa, thân cây, ván gỗ như lối truyền thống.
Tại chợ trung tâm xã Pú Luông, phóng viên ghé vào một cửa hàng sắt ngay mặt đường, nhìn thoáng qua thấy bó dây phanh xe đạp hàng trăm sợi, bên cạnh là chùm bẫy kẹp dùng để bắt thú nhỏ như chuột, sóc.
Chỉ cần có nhu cầu là chủ cửa hàng luôn miệng một hồi giới thiệu đủ các loại thú có thể sa chân hoặc chui vào chiếc bẫy không lối thoát mà bà đang bày bán. Bà T., nhiều năm bán bẫy thú ở chợ Pú Luông cho biết: "Bẫy thú có kích cỡ từ nhỏ đến vừa dùng để bắt chuột, sóc, chồn (giá trung bình từ 20.000đ-30.000đ/ chiếc). Loại bẫy thú lớn như hươu, nai, lợn rừng, gấu bán với giá 250.000 đồng đến 400.000 đồng/chiếc".
Cũng theo bà T.,: "Mỗi mùa ngô cửa hàng tôi bán cho người dân ở một hai thôn gần rừng đặc dụng ở xã Chế Tạo (huyện Mùa Căng Chải) khoảng 300 chiếc bẫy lớn, chuyên để "săn" lợn rừng, mỗi con khoảng trên 1 tạ (100kg)".
Tại cửa hàng của bà T. còn nhiều chiếc bẫy lớn với đường kính rộng 32cm, được chế tác bằng sắt f16 (1,6cm). Theo một số người mua bẫy của bà T., để đặt được chiếc bẫy này cần hai người trưởng thành khỏe mạnh với sự hỗ trợ của xà beng. Thú hoặc người đi rừng không may dính vào chắc chắn gẫy chân hoặc chết nếu không được cứu sớm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ một chủ cửa hàng ở chợ Pú Luông, huyện Mù Căng Chải chỉ một mùa ngô đã bán khoảng 300 chiếc bẫy cỡ lớn nhất cho hai thôn ở xã Chế Tạo, gần Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Căng Chải, còn những bẫy nhỏ thì bán nhiều vô kể.
Tuy nhiên, cung cấp thông tin cho Báo điện tử Dân Việt, ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: "Bẫy thú được các tổ bảo vệ rừng thôn, bản khi tuần tra phát hiện và tịch thu mang về chủ yếu là loại bẫy nhỏ để bẫy chuột, số lượng bẫy phát hiện trong 5 năm trở lại đây là… 108 chiếc bẫy".
Về các vi phạm liên quan đến ĐVHD ông Giang cho biết: "Tính từ 1/1/2017 đến 20/12/2021, trên toàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 6 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng (Theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP). Các đối tượng vi phạm là người dân tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải".
Được biết, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ĐVHD bị săn bắt nhiều nhất là cầy, kỳ đà, mèo rừng, khỉ. Người dân săn bắt chủ yếu là bẫy thú để ăn và buôn bán. Các vụ việc vi phạm sau khi phát hiện, thu giữ tang vật, làm các thủ tục để thả về tự nhiên của các khu bảo tồn đối với các cá thể động vật rừng còn sống. Xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm. Chưa xử lý hình sự vụ việc nào liên quan đến ĐVHD.
Phóng viên tố cáo: Triệt phá "tụ điểm" thu mua, buôn bán thú rừng
Đi sâu vào tìm hiểu, phóng viên được một số người dân giới thiệu đến hai cửa hàng tạp hóa nằm ven hồ thủy điện trên đường từ thị trấn Mù Căng Chải sang huyện Than Uyên (Lai Châu). Được biết, ở hai cửa hàng này thường xuyên thu mua thú rừng của người dân địa phương bẫy, săn được.
Cách thị trấn Mù Căng Chải khoảng 3km, ngay tại một khúc cua gấp có hai cửa hàng bán hàng tạp hóa cách nhau khoảng 50m. Tại cửa hàng L.Q, trong vai người cần thịt rừng làm quà tết, phóng viên tiếp cận người chồng tên L. anh cho biết: "Ở đây có mèo rừng, cầy, chồn, dúi là chính, mèo rừng giá khoảng 500.000đ/kg. Nhưng hôm nay vừa hết hàng, khách họ lấy về xuôi hết".
Thấy khách lạ nói lần đầu cần mua thịt thú rừng, L. không quyên dặn: "Mua mèo rừng thì cần mua con sống vì đây là lần đâu tiên chưa quen biết nhau, nếu quen biết thì mua con đã đông lạnh cũng được, vì khi thịt ra nếu không biết phân biệt dễ bị lừa mèo nhà thành mèo rừng".
Còn tại cửa hàng tạp hóa bên cạnh, khi được hỏi, trong lúc đông khách sắm đồ tết bà chủ nhà tên Th. nói không có hàng rừng (ĐVHD), sau một hồi vãn khách, bà vẫy tay phóng viên vào bên trong nhà, lục tủ đông lạnh đưa ra một cá thể thú rừng đông đá mà bà cho là mèo rừng, sau khi đặt lên bàn cân được 2,9kg bà bảo: "Con này giá 1,2 triệu đồng".
Thấy phóng viên lưỡng lự vì là đồ đông đá nền bà Th. nhanh chóng dẫn ra sau khu bếp là nơi giết mổ, cho xem hai cá thể mèo nhà bà đang làm thịt để so sánh, bà nói như một chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã để phân biệt mèo nhà và mèo rừng. Sau đó bà Th. liền cất và dặn: "Nếu không mua đừng nói với ai vì sợ kiểm lâm biết, bị bắt là chết".
Từ những thông tin điều tra có được, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Xuân Dưỡng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Căng Chải tố cáo việc buôn bán cá thể nghi mèo rừng và động vật hoang dã trái phép.
Tại hạt kiểm lâm Mù Cang Chải, sau khi ghi nhận thông tin của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, các cán bộ kiểm lâm tức tốc lên đường tiến hành kiểm tra thông tin tại địa điểm được thông báo.
Khi tiến hành kiểm tra, tại Km25 đường đi Than Uyên (Lai Châu), các các bộ kiểm lâm cùng phóng viên làm việc trực tiếp với chủ quán tạp hóa tên Th. Sau quá trình kiểm tra tại khu nhà bếp, phát hiện ra hai cá thể mèo rừng, một đông lạnh (như hình ảnh mà phóng viên ghi nhận hôm trước) và một cá thể còn sống nặng 3,3kg được nhốt trong tải màu cam cất sau bếp.
Các cán bộ Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Mù Căng Chải đã lập biên bản tịch thu tang vật, đưa cá thể nghi mèo rừng đông lạnh đi kiểm định. Còn cá thể mèo rừng đang sống được đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Khi đủ điều kiện tái thả, mèo rừng sẽ sớm trở về với ngôi nhà hoang dã của nó.
Vết máu thú rừng ở thành phố tỉnh lỵ
Trong quá trình tìm hiểu việc săn bắt, giết thịt, buôn bán thú rừng ở thị trấn Mù Căng Chải, phóng viên có được số điện thoại của một nhà hàng cách trụ sở Hạt Kiểm lâm Mù Căng Chải vài trăm mét, gọi điện vào số máy một phụ nữ tên T.H. cho biết: "Muốn có đồ rừng phải đặt trước, thỉnh thoảng mới có chứ không phải hàng sẵn, chỉ có cầy giá 400.000đ-500.000đ/kg, chồn giá 200.000đ/kg,…".
Phóng viên tiếp tục gọi đế số điện thoại ghi trên biển của một nhà hàng khác ở trung tâm thị trấn Mù Căng Chải, nhà hàng có tên T.T., ông chủ cho biết: "Do hôm nay về quê có đám giỗ nên quán đóng cửa, nhưng nhà hàng lúc nào cũng có thịt thú rừng để bán. Một hai hôm nữa nếu cần cứ alo là có".
Để mục sở thị, phóng viên bước vào nhà hàng có tên T. L. qua vài câu xã giao, phóng viên như đã quen với nhà hàng, ăn cơm ở đây nhiều và hỏi: Hôm nay có món gì ngon không chị? Hàng rừng chẳng hạn? Bà chủ tên L. nhanh nhảu đáp: "Ở đây có nhưng gần Hạt Kiểm lâm nên không dám để ở nhà, phải đặt trước để làm sẵn mới có".
Người chồng bà L. thì cho biết, mới cách đây ít tháng mua được một con mèo rừng mà người dân bẫy được bán ở đèo Khau Phạ: "Con mèo rừng rất to đó, mua với giá 1,3 triệu đồng, về nhà ăn rất ngon, ngọt, 8 người ăn mới hết" - ông T. nói.
Hầu hết những người phóng viên trao đổi họ đều cho biết thú rừng sau khi bẫy bắt được sẽ được bán cho những đầu nậu thu mua, bán cho các nhà hàng ở thị trấn huyện, hoặc chuyển đến các thành phố lớn, nơi có nhu cầu sử dụng nhiều, đặc biệt là dịp tết để làm quà biếu xén ngoại giao.
Lần theo những thông tin tìm hiểu được tại Mù Căng Chải, phóng viên di chuyển đến thành phố Yên Bái. Tại nhà hàng T.B trên đường Hoàng Quốc Việt, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái. Nhân viên nhà hàng cho biết ở đây có cầy, dúi, don (hon). Những mặt hàng này chủ yếu phục vụ khách hàng từ các nơi khác đến thưởng thức, đặc biệt là Hà Nội.
"Khách ở Hà Nội thường xuyên lên đây ăn thú rừng, đặc biệt là dịp cuối năm họ mời nhau để "trả lễ" nên nhu cầu càng cao. Nhà hàng chúng em đã hoạt động 16 năm và có tiếng trong bán đặc sản thú rừng" - nhân viên lễ tân nhà hàng cho biết.
Qua tìm hiểu được biết, thú rừng "có mặt" và bị giết thịt tại nhà hàng T.B được vận chuyển từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai hoặc săn bắt ở một số khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Cũng nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, cách nhà hàng T.B khoảng 50m. Nhà hàng N.N chưng tấm biển lớn với dòng chữ chuyên các món nhím, don, dúi. Ông chủ nhà hàng thấy có khách lạ liền quảng cáo đặc sản thú rừng có sẵn và dẫn phóng viên vào tận sân sau xem cầy, dúi, don, nhím vẫn sống nuôi trong lồng.
"Có 4 cá thể cầy (giá 2,5 triệu đồng/ kg), tầm 5 cá thể don (2 triệu đồng/ kg), 10 cá thể dúi (800.000 đồng/ kg), 2 cá thể nhím (hơn 2 triệu đồng/ kg). Khách muốn ăn theo tầm tiền nào sẽ tư vấn và cân đối số lượng." - ông N, chủ nhà hàng chào mời khách.
Ông N, khẳng định: "Thú rừng ở đây được bắt trên rừng và là "quán quen" của nhiều quan chức. Tôi có đường dây cung cấp từ các huyện miền núi và xa hơn nữa là Mường Tè, Lai Châu, Sơn La, quán tôi có tiếng khắp các tỉnh miền núi phía Bắc này. Thú rừng lúc nào cũng có sẵn, nhốt tại chuồng, số lượng các chú thấy hiện tại chỉ là ¼ tổng số lượng nhà hàng sở hữu, số còn lại nuôi nhốt tại nhà riêng, có khả năng phục vụ một lúc mấy chục mâm".
"Lực lượng Kiểm lâm mới chỉ đáp ứng được một phần công việc"
Theo ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, khó khăn nhất hiện nay đối với công tác bảo vệ, bảo tồn là biên chế của lực lượng Kiểm lâm đang thiếu so với biên chế được giao (hiện có mặt 229 biên chế/ 249 biên chế được giao; thiếu 20 biên chế theo quy định), dẫn tới không đủ lực lượng để triển khai nhiệm vụ kiêm nhiệm tại 2 Khu bảo tồn.
Trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng phương án chuyển đổi mô hình hoạt động trên cơ sở là:"không làm tăng biên chế, không tăng chi thường xuyên". Vì thế gặp rất nhiều khó khăn và khó triển khai thực hiện.
Số lượng cán bộ biên chế của các Ban quản lý Khu bảo tồn không có, một số cán bộ công chức của Chi cục và Hạt Kiểm lâm huyện được giao thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm, nên các hoạt động chủ yếu là bảo vệ rừng, không có các hoạt động phát triển khu bảo tồn.
Trong khi đó để quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển được các khu rừng đặc dụng thì cần rất nhiều hoạt động khác đó là: điều tra, giám sát, theo dõi đánh giá bảo tồn tính đa dạng sinh học, quản lý các loài, các hệ sinh thái, giáo dục bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái; xây dựng các chương trình, dự án và triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước để đầu tư phát triển nhằm nâng cao đời sống cho người dân sống trong vùng đệm của khu rừng đặc dụng.
"Mặc dù hoạt động của các Hạt Kiểm lâm huyện rất hiệu quả nhưng đây là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng thừa hành pháp luật, do vậy mới chỉ đáp ứng được một phần công việc đó là nhiệm vụ bảo vệ rừng" - ông Giang thông tin.
Quý độc giả đang đọc bài viết "Cận Tết nguyên đán 2022, thú rừng "nườm nượp" về xuôi" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.