Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 2.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 3.

img

âng, sau loạt bài "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" là hàng chục cá thể hổ lớn nhỏ được cứu hộ. Dăm bảy đối tượng vi phạm tra tay vào còng. Khởi tố vụ án, bắt tạm giam các "trùm", bao nhiêu thứ hàng có giá chợ đen đắt đỏ bị thu giữ. Như vụ giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành ở Nghệ An, cơ quan công an và liên ngành huy động ít nhất 200 cảnh sát.

Sáng chúng tôi báo đăng, trưa cùng ngày Cục Kiểm lâm chỉ đạo nóng gần chục tỉnh thành vào cuộc. Các tổ chức quốc tế và Việt Nam đã và sẽ làm lễ vinh danh nhóm phóng viên điều tra. Các tỉnh thành ra quân thu giữ nhiều tang vật ở đúng điểm PV Dân Việt tố cáo và cả các tụ điểm khác nữa. Các hội thảo mang tầm quốc gia về số phận đàn hổ đông đúc bị nuôi nhốt trái phép ở Việt Nam đã được tổ chức, nhân sự kiện mà Dân Việt độc quyền, đi đầu và viết nhiều nhất (với hơn 50 bài viết, bộ ảnh và video) kia.

Câu chuyện về quanh tuyến bài hơn chục kỳ về "Những tổng kho hành quyết chim trời" - bóc trần thảm họa mà các loài chim hoang dã, chim di cư đang phải gánh chịu - đến nay vẫn chưa hề nguội. Chúng tôi được mời lên Bộ TNMT báo cáo và đưa tư liệu, góp ý vào Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng về lĩnh vực này.

Tháng 9 năm 2021, Hội thảo bảo vệ các loài chim quý và hệ sinh thái đất ngập nước ở châu thổ sông Mê Kông được tổ chức, Dân Việt được mời đồng chủ trì và nhà báo đại diện nhóm điều tra sẽ là diễn giả.

Trước đó, cũng chính tác giả các bài viết kể trên, tham gia đắc lực vào việc điều tra, tố cáo "Các nấm mồ rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam", rồi mời Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an và Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc, thu giữ tới 11 nghìn xác rùa biển quý hiếm bị thảm sát và chế tác tại TP Nha Trang. Loạt bài cũng đã đem cho nhóm Phóng viên Giải thưởng "Nhà báo xuất sắc" do ENV, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Freeland trao tặng.

Chúng tôi tự hào mình đã có một hành trình dám đi đầu và đi đến cùng các vụ việc, đóng góp điều nhỏ bé nào đó cho công tác thực thi luật pháp, cũng như thượng tôn các giá trị nhân văn vì cộng đồng nói chung.

Nhưng, cũng có rất nhiều điều cần nói thẳng ra ở đây: trong sự thành công của chúng tôi (nhóm nhà báo), có một nỗi đau chung mà tất cả chúng ta không thể nào né tránh.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 5.

Thứ nhất, chúng ta có Luật, có Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên từ gần ba chục năm trước, có Chỉ thị 29 của Thủ tướng vừa ký và ban hành tháng 7 năm 2020 về việc xử lý nghiêm khắc các vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD). Nói ngắn gọn, ngoài các loài quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ kiểu như tê tê, hổ, gấu, sơn dương, kỳ đà vân… (cứ xâm hại một cá thể là có thể bị lĩnh án hình sự); thì đến cả các loài như chim sẻ, chim sáo ngoài hoang dã, các hành vi bắt - giết - bán buôn - ăn thịt chúng đều là vi phạm tất.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Vì sao các điểm nóng, các chiêu trò tàn sát ĐVHD vi phạm pháp luật kia cứ tồn tại dai dẳng mãi? Có ai "bảo kê" ở đây không? Ví dụ, vụ việc khổng lồ với 11.000 xác rùa biển, có cá thể đường kính mai lên tới 80cm (!) ở Nha Trang, được giới bảo tồn thế giới coi là "những nấm mồ rùa biển lớn nhất từng được biết đến ở Việt Nam và cả thế giới".

Xin thưa, nói thì to tát vậy, song sự tồn tại suốt bao năm của tụ điểm "kinh hoàng" này có gì bí mật đâu? Họ lập cả xưởng lớn, các vi phạm (sau khi chúng tôi tố cáo đã bị xử lý) như ốc tai tượng to đùng xếp ngổn ngang như núi quanh xưởng; tay trùm từng bị bắt với tang vật là 1.000 rùa biển và cơ quan chức năng đi thả tang vật trở lại đại dương. Thế rồi anh ta vẫn tiếp tục "ngựa quen đường cũ". Khi chúng tôi điều tra và tố cáo, có lẽ, điều thành quả bom dư luận chấn động lắm, song, với bà con với với cán bộ địa phương họ chẳng bất ngờ tí nào. Vì sao không ai xử lý suốt bao năm?

Mấu chốt nằm ở chỗ: Vì sao chúng tôi không báo cáo cơ quan chức năng ở Nha Trang, mà phải lên Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) để dẫn các điều tra viên phía Nam bay ra, phía Bắc bay vào để hợp quân phá án? Và, như vụ giải cứu mấy chục con hổ bị nuôi nhốt, vận chuyển trái phép ở Nghệ An tháng 8/2021 vừa qua cũng vậy. 

Đúng, PV Dân Việt nếm mật nằm gai ở đó, ghi hình và trực tiếp đi tố cáo, song nhiều tổ chức cũng đã điều tra từ lâu và đem cả video đi tìm cảnh sát Nghệ An, kèm theo công văn có dấu có triện đề nghị vào cuộc. Kể cả công an địa phương, các đồng chí cũng biết quá rõ các sự thật ở "làng nuôi hổ"… từ nhiều năm trước. Vài đồng chí, cùng vào cuộc với chúng tôi độ trước, nay đã nghỉ hưu!

Thế nên, đừng ai nghĩ rằng nhà báo thần thông quảng đại, biến mình thành sợi tóc chui vào chuồng hổ moi tin. Chúng tôi có lẽ chỉ hơn ai đó được sự quyết liệt, thọc sâu tìm kiếm thông tin và ra mặt tố cáo, giám sát cơ quan thực thi pháp luật bằng cả máy quay lén thả ở… vài lối đi. Sau thời gian chúng tôi tố cáo, ít nhất 24 cá thể hổ đã được giải cứu từ tay những kẻ vi phạm.

Nói như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương trên Dân Việt, sau khi đọc loạt bài của chúng tôi, rằng: tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương liệu có tê liệt không, mà họ không biết các gia đình kia nuôi hổ? Mà là nuôi một lúc 14 con hổ, mỗi con 2,5 đến 3 tạ! Chúng ăn cả núi thịt mỗi ngày.

Con hổ chứ có phải cái kim đâu, trong khi, các cụ nói rất đúng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Tôi rỉ tai cụ Hùng, giờ mới phát hiện ra, nữ chủ nhà bị xử lý nghiêm vì nuôi ba cá thể hổ khổng lồ kia có anh chồng là công an viên bán chuyên trách ở xã.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 6.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 7.

Vì sao các "cái kim" nặng vài tạ một chiếc (những con hổ trưởng thành khổng lồ bị nuôi nhốt trái phép) đã lòi ra vào thời điểm này? Vì có lời tố cáo, lại của các nhà báo ghi hình, chụp ảnh hẳn hoi. Tương tự, tuyến bài của chúng tôi tố cáo khắp các sai phạm ở lĩnh vực này từ nhiều tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước…, vi phạm nào cũng đáng bị xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự.

Giết khỉ mổ phanh, ăn óc, hầm đầu lâu khỉ. Sọ khỉ nằm la liệt trên sàn nhà chờ bị nấu cao. Vác tê tê sống ra tận bàn ăn cho khách chọn để giết mổ, nấu cao hổ, bán cầy hương, bán hoẵng, nai cả con, bán rùa hoang dã cả bể bê tông, rắn các loại nhốt đầy nhà, từng "trại tù binh" thú hoang giấu trong bếp, trong nhà vệ sinh. Giữa mùa dịch vẫn mang hàng xuyên biên giới và thừa nhận có quen biết phết phảy với cơ quan hữu trách nhằm "cho hàng của chị đi qua". Cái gì chúng tôi cũng ghi hình và đều tố cáo lên Cục Kiểm lâm Việt Nam, Cảnh sát môi trường nhiều tỉnh, Chi cục kiểm lâm tất cả các tỉnh kể trên.

Nhiều đối tượng đã bị xử lý sau đó, bắt tận tay, day tận trán. Cục Kiểm lâm có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng các tỉnh rất quyết liệt. Các cuộc ra quân đều có báo cáo, kiểm lâm tỉnh, kiểm lâm vùng, Cục Kiểm lâm đồng loạt "ra quân".

Tuy nhiên, ngay cả khi có được những "hiệu ứng" quyết liệt này lại làm chúng tôi thật sự thấy cần ngoái lại để cay đắng thừa nhận một sự thật khác.

Một sự thật hết sức đơn giản là: có cung thì có cầu. Các chủ quán ăn, nhà hàng, "vựa" buôn bán thú rừng trong nội địa và làm ăn xuyên quốc gia (ship hàng từ Lào, Campuchia về), họ đều có một điểm mấu chốt giống hệt nhau: Lợi nhuận!

Cách điều tra vô cùng đơn giản: dò kĩ địa chỉ, tìm mối "làm ăn" giới thiệu để họ tin tưởng, rồi cứ thế đút tay túi quần, đĩnh đạc đi vào hỏi mua hàng. Thế là cái gì cũng lòi ra hết. Muốn làm ăn lâu dài thì thân thiết, gặp gỡ, nhậu nhoẹt, tán gẫu, kéo bè kết cánh để moi tin. Các thủ thuật đó, nói thẳng ra là ai cũng làm được, nhất là với các cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát môi trường ở Trung ương, ở các tỉnh, các huyện và cả lực lượng cắm ở xã, ấp.

Có một chi tiết thế này. Sau cứ chúng tôi tố cáo ở đâu thì cán bộ địa phương mới đi bắt giữ, xử lý sai phạm ở đúng chỗ đó (tất nhiên, các vụ khác, không có chúng tôi tham gia thì ta nói ở một dịp khác). Nhiều vụ, cán bộ huyện đánh cả công văn về tòa soạn xin bản báo cung cấp tư liệu: tôi bảo, xin thưa, tôi cả đời lên đó mỗi lần, điều tra có hai ngày giời để viết báo, biết gì mà dám cung cấp tư liệu cho các đồng chí lực lượng vũ trang đi điều tra. Các vị ở đó cả đời, được huấn luyện chuyên biệt để nằm vùng theo dõi ở đó, lại theo dõi đúng lĩnh vực đó bao năm qua, sao chúng tôi dám múa rìu qua mắt thợ?

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 8.

Lại có vụ, tôi và một tổ chức quốc tế cùng "báo cáo sai phạm", có video kèm theo với cả kho xương thú cao hàng mét, sơn dương nguyên con nằm sõng soài, đàn khỉ nằm ôm nhau co ro còng queo sau khi bị thui vàng. Mấy tủ đông "hàng rừng" nối đuôi nhau.

Hôm ấy, đang ngồi thở than với ông lãnh đạo kiểm lâm tỉnh, xem tài liệu về vụ việc xong. Ông gọi điện cho nhóm cơ động ở huyện đến kiểm tra. Không biết họ có đi kiểm tra không và đi đến thì làm gì, chỉ biết là vẫn chưa nguội chén trà, vị ngồi trước mặt tôi nghe điện thoại rủ rỉ tí rồi giả lời: đã kiểm tra, không có gì.

Xin thưa: mặt hàng thú rừng bán để ăn, để uống (ngâm rượu, nấu cao), có cung là có cầu. Nếu họ bán, nhất là mùa Covid-19 hàng hóa ế ẩm thế này, cứ hỏi mua khéo một tí là họ bán, bán là cho xem hàng, xem hàng là vào hang ổ. Có khó như chuyện buôn bán ma túy hay buôn bán vũ khí đâu mà bảo không dễ bắt được. Chúng tôi thí nghiệm, đặt máy quay, đút hai tay vào túi quần, lao xe BKS Hà Nội vào thẳng các nhà hàng ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, hỏi mua. Họ bảo có hàng, thế là mang ra, đủ thứ ĐVHD. Họ tuyên bố là "đồ rừng", kiểm lâm đến bắt thì đúng là đồ vi phạm.

Xem lại video, chúng tôi chả tài giỏi gì, chả đóng giả hóa trang gì, cũng chả diễn trò gì. Thử hỏi, sao cơ quan chức năng không bắt được? Mà tôi thấy họ khiêng cả thúng thịt rừng ra quốc lộ, ra chợ huyện mà bán; bán chán chê, khách muốn hàng "đắt đỏ dấu giếm" hơn thì về nhà họ, vào kho nhà họ. Họ hồn nhiên đến mức, cô chủ da thịt nõn nà trẻ trung, đưa cả tôi vào buồng thì thụt xem hàng. Tôi còn gọi đồng nghiệp của mình vào vì sợ chồng cô ta về lại tưởng tôi với nàng mèo mả gà đồng.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 9.

Tôi khẳng định, nếu quý vị nào muốn bắt giữ hết các vi phạm về động vật hoang dã, vi phạm Luật Việt Nam, Chỉ thị của Thủ tướng, Công ước Quốc tế, cứ đi theo tôi, bắt đâu trúng đó. Nói không thể bắt được, có lẽ chỉ là một sự ngụy biện.

Vậy mấu chốt câu chuyện ở đâu? Ai ăn thịt thú rừng đắt đỏ? Người ăn không phải thợ săn, không phải người buôn, cũng không phải nhà báo hay nhà bảo tồn đi điều tra chuyện này. Ai có tiền ăn cầy hương gần chục triệu đồng/con; mua con hổ cả tỷ đồng hay bộ tay gấu hơn 70 triệu đồng (giá chợ đen)? Và nếu muốn biết mặt ai đã ăn thịt tê tê. Cứ đặt máy quay lén hay ghi biển số xe ở các nhà hàng đặc sản khét tiếng rồi vào mà ngó các bát đĩa trên bàn tiệc, ngó nhà bếp cắt tiết tê tê, vặt lông cầy hương hay bắt pịa hoẵng rừng.

Treo biển bán cao khỉ ven quốc lộ, cả sàn nhà toàn đầu lâu xương sọ khỉ, kiểm lâm nhậu với lâm tặc và kẻ bán thú rừng rồi khen thịt thú rừng ngon. Cán bộ huyện "có đai có đẳng" hồn nhiên mở nhà hàng đặc sản thú rừng, và tiết lộ đủ mánh khóe mang hàng vượt biên, nấu cao khỉ, mua cả con sơn dương vừa bị bắn, cung cấp đủ hàng trong Sách đỏ cho thực khách "mua về làm quà"…

Các cảnh đó chúng tôi đã ghi hình, có thể ai đó ngụy biện là chuyện con sâu bỏ rầu nồi canh thôi. Song, cũng xin thưa, chúng tôi cưỡi ngựa xem hoa thôi. Vẻ như đã vô tình nhìn thấy ngần ấy chuyện. Chứ nếu điều tra thật, có thời gian hơn nữa thì có mà ra cả ổ. Bi kịch lớn nhất là người ta đã không thật sự vào cuộc.

Trong các bản báo cáo, ai đó nói, họ đã bất lực, song có vẻ như họ đã mặc kệ. Bắt vẫn bắt, phạt vẫn phạt, song bạt ngàn sai phạm vẫn tồn tại giữa ba quân tướng sỹ, giữa ban ngày ban mặt. Ai đút tay túi quần đi vào gọi "hàng cấm" là có đủ, họ còn tiết lộ cả mánh "chạy chọt", "làm luật", "họ bắt nhà em nhẵn mặt rồi, nhưng em vẫn có cách để bán tiếp".

Có lẽ, với thị trường tai tiếng và tận diệt thiên nhiên -  tài sản của chung cộng đồng và của các thế hệ sau - kia, đã đến lúc phải: cần có một bàn tay thép đủ quyết liệt và minh bạch thì mới giải quyết triệt để được. Mọi sai phạm nó gần như phơi bày giữa ban ngày ban mặt. Nếu chúng ta không thật sự hành động, người dân, con buôn sẽ nhờn luật; thế hệ trẻ sẽ nghĩ là cha anh nó đã đồng lõa với việc tàn sát các loài thú hoang vô tội.

Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021”: Nhà báo Điều tra và cái ngoái đầu của lương tri! (Bài cuối) - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem